Báo động sự tận thu

Theo NLĐ |

Sự eo hẹp của ngân khố quốc gia đã khiến các nhà làm chính sách rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 2009, thời điểm bắt đầu suy thoái, Chính phủ triển khai chính sách dãn, giảm thuế và tiếp tục duy trì đến nay. Tuy nhiên, trong khi chính sách này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi thì Chính phủ lại dự tính tăng nhiều khoản thu thông qua thuế, phí. Việc dãn, giảm thuế trên diện rộng thời gian dài đã tác động ngược trở lại, làm NSNN giảm thu không nhỏ, nhất là trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn.

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2012 sụt giảm mạnh nhưng nếu so với GDP cùng kỳ thì vẫn lên đến 27,6%, cao hơn mức trung bình 26,6% của năm 2011. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, DN phá sản hàng loạt, sức mua giảm mạnh thì việc đạt tỉ lệ thu ngân sách/GDP cao cho thấy dấu hiệu báo động của sự tận thu.

Khi các loại thuế gián thu khó tăng vì hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu khó khăn thì tăng ngân sách dễ dàng nhất là đánh vào các loại thuế trực thu. Việc tận thu thể hiện rất rõ khi Bộ GTVT đề xuất bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm ở một số TP lớn. Nếu chủ trương này được thông qua, ngân sách sẽ tăng thêm ít nhất 3.500 tỉ đồng/năm.

Sự gia tăng các loại thuế, phí cùng với mục tiêu tăng thu 5%-8% của ngành tài chính năm 2012 khiến áp lực thuế, phí đè nặng lên đời sống người dân và DN. Khi thông qua dự toán NSNN năm 2013, Quốc hội đã phải yêu cầu Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách để thuế, phí không là gánh nặng cho người dân và DN; đồng thời bảo đảm nguồn thu để giữ vững an ninh tài chính quốc gia, tránh hụt lớn do điều chỉnh chính sách thuế, nhất là khi chưa có phương án bù đắp.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, con đường giảm thâm hụt NSNN thông qua tăng thuế suất và cơ sở đánh thuế là rất hạn chế. Việc tăng thu chỉ có thể được thực hiện nhờ các biện pháp nâng cao tỉ lệ tuân thủ, chống thất thu và buôn lậu.
Ngân sách giảm thu thì trước mắt phải cắt giảm chi tiêu. Còn về dài hạn, giảm thuế cho DN và người dân sẽ tạo ra cơ hội phát triển tốt hơn, từ đó có cơ hội nộp thuế cao hơn trong tương lai. Theo lộ trình, tỉ lệ thu NSNN sẽ giảm xuống dưới mức 25% GDP trong từng giai đoạn để khoan sức dân, nâng cao tỉ lệ đầu tư của khu vực DN. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính cần tính toán cắt giảm thuế song song với cắt giảm chi tiêu, nếu chỉ làm một phía thì không thể cải thiện được tình trạng thâm hụt ngân sách.
Phương Anh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại