Bài học bản quyền sau vụ Zing mất hợp đồng Coca-Cola

thanhthao |

Theo các chuyên gia, sự cố này gióng lên hồi chuông về tôn trọng bản quyền ở Việt Nam.

Vài ngày nay, giới kinh doanh ngành quảng cáo xôn xao vì Coca-Cola và Samsung dừng hợp tác với Zing khi hay tin website này cho tải nhiều bài hát trong nước và quốc tế không có bản quyền.
Là website được truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam, sự cố mất khách sộp của Zing trở thành lời cảnh tỉnh về ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam.
Giám đốc đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam, Nguyễn Khoa Mỹ cho biết hợp tác song phương đã được ký kết dựa trên niềm tin Zing là trang web được cấp phép và có sự khẳng định về sở hữu trí tuệ trên trang web này. Tuy nhiên, Coca-Cola nhận được thông tin, tài liệu cho thấy một số cơ quan thương mại nêu quan ngại về vấn đề sở hữu trí tuệ của Zing.

"Đứng trước những quan ngại đó, Coca-Cola quyết định rút quảng cáo của mình khỏi trang web này", ông nói.

Theo ông Mỹ, điều kiện tiên quyêt để Coca-Cola hợp tác một đối tác nào đó thì đối tác ấy phải có pháp nhân một cách đầy đủ. Nếu là trang web thì phải được cấp phép và phải có sự khẳng định tuân thủ về quyền sở hữu trí tuệ.

Trên trang web của Zing trước đây nêu rõ về chuyện bản quyền này, Coca-Cola cho biết là bên đi mua quảng cáo hãng không thể xác định được mô hình hoạt động của Zing tuân thủ bản quyền sở hữu trí tuệ đến mức độ nào. Vì thế, khi nhận được thông tin nêu quan ngại vấn đề này, Coca-Cola phải rút quảng cáo, dừng những hoạt động hợp tác.

bai-hoc-ban-quyen-sau-vu-zing-mat-hop-dong-cocacola

Một quảng cáo của Coca-Cola trên Zing. Ảnh:Zing Me

Trong khi Samsung Việt Nam chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về việc này thì trong một thông báo đăng trênAP, Samsung (Hàn Quốc) cho biết: "Chúng tôi rất tôn trọng bản quyền và phản đối bất cứ sự vi phạm nào, như sao chép và phân phối các tài liệu đã đăng ký bản quyền".

Phó Tổng giám đốc VinaGame (VNG), đơn vị quản lý Zing, Vương Quang Khải cho biết đối với nhạc Việt, Zing mua bản quyền từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cũng như có hợp đồng hợp tác kinh doanh trực tiếp với hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Hiền Thục, Noo Phước Thịnh…

Đối với nhạc nước ngoài, Zing đang làm việc với đại diện các hãng nhạc lớn thế giới như Universal và Sony Music từ nhiều tháng nay. "Đây là một quá trình khó khăn để có thể thuyết phục các “đại gia” này chấp nhận một mô hình kinh doanh phù hợp với thói quen nghe nhạc miễn phí của người dùng Việt Nam", ông Khải trần tình.

Lãnh đạo Zing cho biết thêm, ngày 5/10, đơn vị chủ quản VNG và Universal Music Group đã đạt thỏa thuận sẽ cấp quyền nghe các bản ghi của Universal Music (dưới dạng streaming và download có thu phí) cho người dùng Việt Nam trên toàn bộ hệ thống website này.

Theo thỏa thuận VNG cam kết gỡ bỏ tất cả các truy cập từ ngoài lãnh thổ Việt Nam vào các bản ghi của Universal Music trên Zing MP3.

Một chuyên gia hoạt động trong ngành quảng cáo tại TP HCM nhận xét, Coca-Cola và Samsung tuyên bố rút quảng cáo khỏi Zing vì lo ngại vấn đề bản quyền là điều dễ hiểu. Bởi lẽ mang sản phẩm quảng bá ở một kênh nào đó cũng giống như chọn mặt gửi vàng, uy tín của đối tác ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của thương hiệu.

Trước việc Coca-Cola và Sam Sung "chia tay" Zing vì quan ngại website này vi phạm bản quyền tác giả, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, Đỗ Kim Dũng phân tích: "Nếu quả đúng như vậy thì hành động của Coca-Cola và Sam Sung cần được khuyến khích".

"Đây là bài học cảnh tỉnh, thúc đẩy các chủ phương tiện truyền thông ý thức nhiều hơn về việc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ", ông Dũng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại