Bà Phạm Chi Lan: Hy vọng mới từ thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo bà Phạm Chi Lan cho rằng, con số 60.700 doanh nghiệp đóng cửa và ngưng hoạt động theo thống kê đến cuối năm 2013 là một "nỗi đau" của nền kinh tế Việt Nam...

Năm 2013 đã khép lại với rất nhiều sự kiện gây xúc động và phẫn nộ; hy vọng và bối rối. Báo điện tử Trí thức trẻ xin trân trọng gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: NĂM 2013, 2014 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHỮNG CHUYÊN GIA NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM.

BÀI 1: Hy vọng và tuyệt vọng của "Bông hoa thép trên thương trường Việt Nam"

BÀI 2: TS Alan Phan "chẩn bệnh": 3 điểm bất an của kinh tế Việt Nam

BÀI 3: TS Alan Phan: Tất cả dự báo bất động sản có thể sai hết

BÀI 4: Năm 2014 nên đầu tư vào lĩnh vực nào để thu lời?

Kết thúc năm kinh tế 2013 đã có những doanh nghiệp bứt phá tạo được thành công, nhưng cũng có những doanh nhân loay hoay tìm con đường mới để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình “vượt bão”.

Đã có nhiều giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nhưng trong năm mới 2014 cũng cần phải có thêm nữa những chính sách, phương hướng thiết thực và hiệu quả hơn...

Đánh giá toàn diện về bức tranh kinh tế Việt Nam 2013, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tuy đã có những thành tựu đáng kể được phản ánh thông qua những con số khá đẹp nhưng năm qua cũng chứng kiến "nỗi đau" của nền kinh tế khi theo thống kê đến cuối năm 2013 đã có 60.700 doanh nghiệp đóng cửa và ngưng hoạt động.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại chương trình LeaderTalk: Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp được tổ chức vào chiều ngày 11/1 tại Hà Nội.

"Năm 2013 kết thúc với một số con số đẹp như chúng ta đã biết nhưng trong những con số mà tôi rất nhức nhối, giật mình của năm qua là con số gần 61.000 doanh nghiệp đóng cửa và ngưng hoạt động.

Tất nhiên, trong những báo cáo chính thức cũng cho biết, năm qua có gần 77.000 doanh nghiệp mới ra đời nhưng đối với tôi số gần 61.000 doanh nghiệp này quan trọng và đau hơn nhiều số doanh nghiệp kia. Bởi vì, đây là đỉnh cao của đà tăng liên tục số doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Nếu như 2 năm 2008 - 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới xảy ra chúng ta ghi nhận có khoảng 4.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động thì năm 2010 có khoảng 40.000 doanh nghiệp, năm 2011 lên tới 53.000 doanh nghiệp, năm 2013 lên 54.263 doanh nghiệp và đến 2013 thì con số này lên tới gần 61.000 doanh nghiệp.

Con số năm 2013 so với con số của năm 2010 thì chỉ có 4 năm thôi mà số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động đã tăng lên gấp rưỡi.

Một điều nữa cũng phải nói đến là trong số những doanh nghiệp ngưng hoạt động thì có thể thấy những năm đầu, quả thực là những doanh nghiệp nhỏ, yếu khi gặp khó khăn họ không chịu nổi, phải ngưng ngay.

Tuy nhiên, điều rất đau là càng về sau này thì chúng ta mất đi những doanh nghiệp khá hơn, có kinh nghiệm trên thương trường, đã chịu khó khăn của 4 - 5 năm liền và có những đóng góp thực sự cho xã hội nhưng đến 2013 không chịu nổi những khó khăn, thách thức, tạm ngưng hoạt động.

Ở đây, rõ ràng không phải là quy luật đào thải bình thường của thị trường mà nó rất không bình thường trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.

Nguyên nhân thì trước hết là do nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm qua gặp nhiều khó khăn. Tuy rằng, trong báo cáo cuối năm GDP có tăng trưởng chút ít so với năm ngoái nhưng do công nghiệp tăng trưởng rất thấp và nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó là những bất cập trong môi trường đầu tư, kinh doanh đã khiến số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vẫn rất cao...", bà Lan phân tích.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về động thái của các doanh nghiệp trong năm 2013, bà Phạm Chi Lan đánh giá, trong năm qua, các doanh nghiệp của chúng ta đã có nhiều cố gắng tuy nhiên những khó khăn chính vẫn chưa thể khắc phục được.

"Trong năm qua, nhìn chung các doanh nghiệp của chúng ta đã nỗ lực hết mình để vượt qua những khó khăn của bản thân họ và khó khăn của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những khó khăn cơ bản của họ cũng vẫn chưa khắc phục được.

Đó là những vấn đề như là nhu cầu của thị trường nội địa thấp, về xuất khẩu, vẫn có nhưng thành tích xuất khẩu của chúng ta tăng 15% trong năm qua, chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, tới gần 67% xuất khẩu của Việt Nam là do các nhà đầu tư nước ngoài còn các doanh nghiệp Việt Nam thì không cao bằng và một số mặt hàng bị chèn, không lên được.

Ở đây, vấn đề chính là đầu vào thì tiếp tục tăng giá trong khi đầu ra thì không thể bán được cao nên có những doanh nghiệp tính toán không có lợi nhuận, thậm chí lỗ và họ phải ngưng không làm nữa. Cho nên cả thị trường trong nước và quốc tế trở nên khó khăn hơn với họ.

Thứ nữa khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề tín dụng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nỗ lực lớn trong việc hạ lãi suất nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể vay được với mức lãi suất công bố hoặc vay được thì mức lãi suất cao hơn mức công bố khoảng 2 - 3%, thậm chí 4 - 5%.

Với mức lãi suất cao như vậy thì họ không thể hoạt động hiệu quả được. Chưa kể một số doanh nghiệp do còn tồn nợ ở ngân hàng nên không thể vay được tín dụng mới mặc dù khả năng kinh doanh, bài toán kinh doanh, thị trường vẫn còn...", bà Lan nói.

Dự cảm về nền kinh tế nước ta trong năm 2014, theo bà Phạm Chi Lan, chính thông điệp đầu năm của Thủ tướng đang tạo ra những hy vọng mới cho nhiều người...

"Năm 2014 về khách quan mà nói thì vẫn sẽ phải hứng chịu những di sản không tốt của năm 2013 hoặc những năm trước dồn lại.

Những điều kiện về kinh tế vĩ mô của chúng ta nói chung cũng còn rất khó khăn mặc dù có bình ổn hơn trước ở chỉ số lạm phát, tăng trưởng có khá hơn. Từ đó, dẫn đến các doanh nghiệp chưa kỳ vọng vào thị trường nội địa tăng trưởng mạnh.

Nhưng điều kiện chung và toàn cầu thì có vẻ tươi sáng hơn so với năm 2013 khi mà các dự báo về tình hình phục hồi nên kinh tế thế giới đều khả quan hơn cho năm 2014.

Trong nước thì niềm hy vọng mới chính là thông điệp đầu năm của Thủ tướng, trong đó biểu lộ rất rõ những quyết tâm của cá nhân Thủ tướng và Chính phủ trong việc tập trung cao thực hiện cải cách mạnh mẽ rất cần thiết ở Việt Nam. Đó là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp nhà nước...

Việc tái cơ cấu nông nghiệp cũng sẽ giúp tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ có thể tham gia, giúp bật lĩnh vực này lên được. Tôi cho rằng, việc lựa chọn này rất xác đáng và đúng với những lính vực mà chúng ta cần tập trung vào nhiều nhất.

Nếu như năm nay làm được một cú hích trong việc tập trung tái cơ cấu như vậy thì nó có thể làm thay đổi cơ bản bức tranh kinh tế năm 2014 và tạo đà cho việc phát triển tốt hơn vào những năm sau. Hơn thế, điều đó sẽ tạo niềm tin, kỳ vọng cho các doanh nghiệp để họ lấy lại sức sống của mình...", bà Lan nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại