Ba nhà mạng tiếp tục bắt tay, độc quyền ép người tiêu dùng?

Sau khi tăng giá cước 3G, mới đây nhà mạng lại đề xuất xin tăng giá cước gọi di động và cố định quốc tế. Như vậy đây là lần thứ 2 các nhà mạng có cùng một động thái xin tăng giá.

Trái quy luật cạnh tranh

Theo giải thích của đại diện VNPT, nâng giá lên mức 8,1 cent là mức cước hợp lý so với mặt bằng chung của quốc tế và khu vực. Một đơn vị khác cũng xin Bộ cho áp dụng chung và ổn định giá trong khoảng 5 năm tới.

Còn Viettel cũng gửi đề xuất lên Cục Viễn thông đề nghị nâng giá lên cùng mức trên kể từ ngày 1/2/2014. Các đơn vị kinh doanh đều nhận định với giá 8,1 cent và trừ thêm 15-20% lưu lượng giảm do bị trộm cước và dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí (OTT).

Lý giải về sự cùng nhau có suy nghĩ tăng giá này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Khó mà giải thích về chuyện cả mấy nhà mạng đều có ý nghĩ tăng giá nếu không có sự liên kết.

“Tuy nhiên điều này trái với quy luật cạnh tranh. Bởi theo quy luật này nếu anh tăng giá thì tôi sẽ tìm cách giảm để hút khách hàng, đằng này cùng nhau tăng thì phải xem lại. Đây là điều không bình thường”, TS Doanh nhấn mạnh.

Trước đó, cả 3 nhà mạng chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường viễn thông là VinaPhone, MobiFone, Viettel cùng đồng loạt tăng 40% giá cước 3G gói không giới hạn gây bức xúc trong dư luận. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công thương điều tra về hành vi này để xác định liệu có hay không 3 nhà mạng cùng bắt tay tăng giá cước “chèn ép” người dùng.

Tuy nhiên, kết quả xác minh của Cục Cạnh tranh chỉ ghi nhận trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký giá cước là có sự khác biệt. Và chỉ có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp vào cùng ngày 4/10/2013, từng doanh nghiệp đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau.

Còn về việc 3 doanh nghiệp điều chỉnh một số gói cước với cùng mức tăng, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã cho biết các gói cước được điều chỉnh giống nhau đều là các gói cước thông dụng và phương án điều chỉnh giá cước đã được Cục Viễn thông phê duyệt.

Kết quả xác minh của Cục Cạnh tranh cho hay, chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay hay thoả thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và VinaPhone trong đợt điều chỉnh cước vừa qua.

Dù vậy, dư luận vẫn không tin vào điều này. Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì lo ngại: “Nếu như cùng nhau làm thì đó là sự thông đồng, tức là liên kết để nâng giá tạo ra thế độc quyền”.

hó mà giải thích về chuyện cả mấy nhà mạng đều có ý nghĩ tăng giá
Khó mà giải thích về chuyện cả mấy nhà mạng đều có ý nghĩ tăng giá

Tăng giá để bù mất trộm như giải khát uống thuốc độc

Trong báo cáo tổng kết 2013 của VNPT, một trong những nguồn lợi nhuận lớn cho tập đoàn đến từ điện thoại quốc tế chiều về. Số liệu tạm tính đến hết tháng 12/2013 của Viettel cho thấy mức doanh thu hơn 1.619 tỷ đồng, tăng 54% so với năm ngoái dù số phút gọi chỉ đạt 1,4 tỷ (giảm 20%). Một số doanh nghiệp nhỏ có cung cấp dịch vụ trước đây đang hết sức khó khăn cũng kịp phục hồi nhờ được nâng giá cước.

Hồi tháng 8/2013, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tăng cường quản lý giá dịch vụ, đồng thời ban hành quy định, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh điện thoại quốc tế chiều về với giá cước phù hợp giá thế giới nhằm tăng doanh thu, đảm bảo lợi ích của Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2012, dịch vụ bị cạnh tranh quá đà, đẩy xuống mức dưới giá thành chỉ còn 2,6 cent một phút nên có doanh nghiệp lỗ. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại cả trăm triệu USD với giá trên. Trước tình hình đó, Bộ đã họp với doanh nghiệp nâng giá lên 4,1 rồi 6,1 cent như hiện nay.

Sau khi áp giá 6,1 cent một phút, lưu lượng giảm 20% chủ yếu vì hiện tượng trộm cước bùng phát trở lại, thêm vào đó là sự có mặt của các ứng dụng OTT. Tuy nhiên, doanh thu trong năm 2013 vẫn tăng thêm 75 triệu USD so với 2012. Đây là số tiền các mạng viễn thông nước ngoài trả cho kết nối dịch vụ của họ đến các thuê bao di động hoặc cố định tại Việt Nam.

Thế nhưng việc tăng giá để bù vào cước bị trộm lại đang được cho là không hợp lý.

Theo TS Lê Đăng Doanh: “Nếu có trộm thì phải tìm cách hạn chế chứ nếu tính chuyện tăng giá để bù vào cước thì không hợp lý”.

Phân tích thêm, vị chuyên gia này cũng đồng tình, vừa qua có một số nhà mạng lưu lượng gọi bị giảm sút. Lý do là vì kinh tế kém nên số người gọi trong nước và nước ngoài có giảm đi là có thật.

“Nhưng phải tìm cách kích thích dung lượng tăng lên chứ nếu tính chuyện tăng giá thì họ sẽ càng giảm gọi đi. Chứ nếu tính chuyện tăng giá trong lúc khó khăn thì tôi thực sự không hiểu triết lý này”, TS Doanh nhìn nhận.

Ông Doanh cho rằng: “Nếu vì dung lượng giảm thì phải tìm cách xử lý tận gốc chứ không phải thay thế bằng cách nâng giá. Đây không khác gì giải khát mà uống thuốc độc. Càng đắt họ càng ít gọi, đây không phải là giải pháp đích thực”.

Giới chuyên môn cũng gợi ý doanh nghiệp nên tìm giải pháp khác thay vì tính chuyện móc túi người tiêu dùng. Nếu không khách hàng sẽ lựa chọn phương thức khác thay thế sẽ càng thiệt hại hơn cho các nhà cung cấp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại