Các đại lý có thể nhập iPhone, iPad... trực tiếp từ Apple Việt Nam mà không cần phải thông qua Apple Singapore nữa.
Như vậy thông tin Apple đặt chân vào Việt Nam đã không còn là lời đồn thổi. Khi mà ngày 28/10 mới đây, Tập đoàn Apple đã chính thức thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam tên tiếng Anh là APPLE VIETNAM LLC, với vốn điều lệ là 15 tỉ đồng.
Việc Apple mở công ty con ở Việt Nam là thông tin mới, nhưng các sản phẩm của ông lớn công nghệ này vốn đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay.
Ngoài nguồn hàng chính hãng được bán qua các kênh phân phối chính thức của Apple như FPT Retail, Viettel, TGDĐ,.. các tín đồ của "táo khuyết" có thể dễ dàng sở hữu một chiếc iPhone hay iPad từ các nguồn xách tay từ nước ngoài.
Vậy thế nào được gọi là hàng Apple chính hãng? Tại Việt Nam, cửa hàng của Apple được xây dựng gồm có 2 cấp: Cấp thứ nhất là Apple Premium Reseller (APR), cấp 2 là Apple Authorised Reseller (AAR).
Thử tìm danh sách các nhà phối chính hãng từ website của Apple, tại Việt Nam mới có FPT, Future World, iCenter, Viễn thông A là có các cửa hàng đạt đến cấp 1 APR. Còn lại đa số là các cửa hàng thuộc cấp 2.
Cửa hàng APR và AAR khác gì nhau?
Thực chất, cả APR và AAR đều là nhà bán lẻ chính thức của Apple, đều do Apple quản lý nghiêm ngặt, chất lượng hàng hóa và chế độ bảo hành như nhau.
Điểm khác biệt là về diện tích và cách trưng bày. APR thường có diện tích trên 100m2, nằm trong các khu vực trung tâm, chi phí đầu tư lớn còn AAR thì linh hoạt hơn, nằm ở nhiều địa điểm phong phú.
Khác biệt thứ 2, AAR là đại lý ủy quyền của Apple, nhưng hoàn toàn có thể bán sản phẩm của các hãng khác.
Còn APR thì chỉ được phép bán sản phẩm của Apple, cùng các phụ kiện, ngoài ra không được bán sản phẩm cùng loại của hãng khác chưa qua công nhận của Apple.
Các cửa hàng do Apple ủy nhiệm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu thiết kế gian hàng, chính sách kinh doanh.
Một của hàng chuẩn APR tại Việt Nam (nguồn: Internet)
Đối với cấp độ cao nhất như APR, doanh nghiệp phải tuân thủ thiết kế chi tiết cho gian hàng của Apple tại Mỹ, nội thất cũng phải nhập từ nước ngoài về Việt Nam.
Trong cửa hàng, vị trí đặt iPad, iPhone, Macbook, phụ kiện hay nơi đặt bảng giá, banner, tờ rơi… cũng phải theo làm đúng thiết kế do Apple yêu cầu.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ chỉ được bán hàng tại hệ thống của mình mà không được phân phối lại cho các đơn vị khác. Mỗi sản phẩm như iPhone, iPad khi kích hoạt thì Apple đều biết được máy bán ở đâu, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ.
Trở lại với việc Apple đặt chân vào Việt Nam. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau động thái này của Apple, nó có gây ảnh hưởng tiêu cực cho các nhà bán lẻ chính thức của Apple tại Việt Nam hay không?
Đại diện của một nhà bán lẻ chính thức của Apple cho hay, việc Apple thành lập công ty tại Việt Nam không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến việc kinh doanh của các đại lý như nhiều người lầm tưởng.
Trái lại đây là một tín hiệu tốt, đem đến nhiều lợi ích cả các nhà bán lẻ và người dùng. Đối với người tiêu dùng, chế độ bảo hành các sản phẩm chính thức của Apple tại Việt Nam sẽ nhanh chóng hơn và được đảm bảo hơn.
Ngoài ra, Apple Việt Nam cũng sẽ giúp cho quá trình đưa các sản phẩm mới của Apple về thị trường Việt Nam sớm hơn trước.
Theo quy trình thông thường, các sản phẩm Apple được sản xuất từ nhà máy tại Trung Quốc sau đó chuyến sang ware house (kho chứa) tại Singapore rồi công ty nhập khẩu từ ware house tại Singapore về Việt Nam.
Trong trường hợp Apple coi Việt Nam là thị trường chiến lược trong tương lai, nhiều khả năng Apple sẽ mở kho hàng tại Việt Nam.
Các đại lý có thể nhập iPhone, iPad... trực tiếp từ Apple Việt Nam mà không cần phải thông qua Apple Singapore nữa.
Một vấn đề khiến người dùng khá quan tâm đó là về khả năng Apple sẽ mở cửa hàng Apple Store ngay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, "đó không phải là vấn đề lo ngại đối với chúng tôi, những đại lý bán lẻ của Apple", vị đại diện giấu tên cho biết.
Apple Store về bản chất cũng tương tự như Samsung hay Microsoft Store tại Việt Nam. Vai trò chính của các store này là nơi tạo hình ảnh cho hãng, với các chức năng như trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, hay tiếp nhận phản hồi của khách hàng...
Trong ngành bán lẻ, các nhà sản xuất thực chất vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các kênh phân phối tại địa phương để đưa sản phẩm đến tay người dùng với độ phủ rộng hơn.
Nhìn vào ngành nghề kinh doanh của Công ty TNHH Apple Việt Nam, cũng không có ngành kinh doanh bán lẻ. Do đó, việc Apple có mở Apple Store ở Việt Nam hay không và khi nào không phải là vấn đề cần quá quan tâm vào lúc này.