“Ấn định phải lãi 300 đồng/lít xăng, kinh doanh thế thì sướng quá!”

MẠNH NGUYỄN |

"Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, còn không sẽ có lúc lãi cao, lãi thấp hoặc phá sản. Cứ ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay, kinh doanh thế này thì sướng quá", TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) nói.

“Nếu không muốn đổ tại trời mưa thì phải biết chủ động”

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói tại chuyến thị sát tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, theo hình thức hợp đồng BOT.

Tại buổi thị sát, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải chủ động hơn trong các giải pháp kỹ thuật để không bị động vì thời tiết.

“Thời tiết mùa này rất khó lường trước. Nếu không muốn “đổ” tại trời mưa thì phải chủ động và đưa ra các giải pháp kỹ thuật tối ưu, phải có quỹ thời gian dự trữ để hoàn thành đúng tiến độ”, Bộ trưởng nói.

Trước đó, theo chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn giám sát, thời điểm này, khối lượng thi công thực tế của toàn dự án chậm khoảng 10 -15 ngày so với kế hoạch.

Một trong những khó khăn cơ bản của dự án là trên tuyến nhiều đoạn có nền đất yếu, cần thời gian để xử lý.

“Ấn định lãi 300 đồng/lít xăng, kinh doanh thế thì sướng quá”

Lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng trong nước lại cao hơn hẳn giá xăng thế giới, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào thuế và phí, trích quỹ bình ổn…

Cụ thể, trong mấy tháng gần đây, giá dầu trên thế giới đã giảm trên 50%, nhưng trong nước giảm chỉ giảm khoảng 30%.

“Theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh xăng được cho là lãi lớn vì kết quả kinh doanh giảm 20% nhưng lợi nhuận lại tăng 170% trong khi người tiêu dùng thấy thiệt vì giá xăng trong nước giảm nhỏ giọt so với thế giới”, TS. Long nói.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng lợi nhuận định mức trong nền kinh tế thị trường không nên cố định định mức.

“Lợi nhuận định mức không nên cố định, bất di bất dịch 300 đồng. Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, còn không sẽ có lúc lãi cao, lãi thấp hoặc phá sản.

Cứ ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay, kinh doanh thế này thì sướng quá. Điều này phải xem xét lại”, TS. Long nói.

“Tôi rất buồn về chỉ số cải cách hành chính năm 2014”

TS Nguyễn Văn Lạng -  Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ) nói sau khi dự hội nghị công bố chỉ số Cải cách hành chính năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức.

Nhận xét về việc giá trị trung bình chỉ số CCHC của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2014 là 76,99%, thấp hơn 0,26% so với năm 2013, ông Lạng cho biết: Con số này thể hiện chúng ta không có tiến bộ gì về CCHC so với những năm trước, thậm chí còn có xu hướng tụt hơn so với năm 2013. Đây là điều đáng buồn.

Theo bảng công bố chỉ số CCHC, Bộ Giao thông vận tải là Bộ dẫn đầu, còn Bộ Khoa học và công nghệ lại xếp cuối cùng.

Nói về vấn đề này, ông Lạng chia sẻ: Tôi đã từng có 6 năm công tác tại Bộ Khoa học và công nghệ và cũng từng có thời gian làm Thứ trưởng tại đây. Tôi cho rằng kết này là điều rất đáng buồn, nhưng tôi không ngạc nhiên.

Bởi trong thời gian công tác ở đây tôi cũng thấy rằng các thủ tục vẫn chưa tốt. Ba yếu tố mà tôi đã đề cập ở trên thì Bộ đều vướng cả.

“Cả nước làm cả năm không đủ cho doanh nghiệp nhà nước trả nợ”

“Tốc độ tăng về nợ của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2011 so với năm 2006 là 2,2 lần và tăng bình quân hàng năm vào khoảng 16%.

Tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2006 đến nay cao hơn số GDP. Điều này có nghĩa cả nước làm trong cả năm cũng không đủ để doanh nghiệp nhà nước trả nợ trong suốt từ năm 2006 đến nay”,

CEO Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam viết trong bài tham luận xoay quanh chủ đề: Để kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.

Ông Thành cho rằng, cần phải ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác và tập trung triệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bởi hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm gần 40% vốn sở hữu của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp hoạt động (do cơ chế) không năng động và hiệu quả thấp nên việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam là nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thô được xếp hạng cao trên thế giới như: gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, cao su, thủy sản nên việc đẩy mạnh công nghiệp hóa chế biến để tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

(Tổng hợp)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại