Trên thực tế, việc chạy đua lãi suất các kỳ hạn ngắn bắt đầu tái diễn ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa trần lãi suất huy động từ 11%/năm về mức 9%, từ 11/6.
Đối với các ngân hàng nhỏ và vừa, đang thiếu thanh khoản thì mức trần huy động 9% không đủ hấp dẫn người gửi tiền. Đã thế, sức ép huy động tài chính phục vụ nhu cầu vốn cuối năm, khiến các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn thị trường từ 1-2%.
Ông Trần Minh Tuân - khách hàng gửi tiền tại 3 ngân hàng lớn và nhỏ, cho biết: “Tuần trước, cán bộ ngân hàng gọi điện thông báo sẽ tăng lãi suất gửi tiền lên 12%/năm. Còn một ngân hàng nhỏ thì chào lãi suất tới 12,5%. Mà đều là lãi suất gửi tiền cho kỳ hạn 1-3 tháng”.
Theo ông Tuân, trước đây khi “đi đêm” lãi suất, ngân hàng còn có giấy nhận tiền (phần chênh ngoài lãi suất quy định) kèm sổ tiết kiệm.
Nhưng nay, để tránh bị săm soi, bắt lỗi, thì trên sổ tiết kiệm chỉ ghi đúng mức lãi suất 9%/năm. Còn phần lãi chênh (2-3%) sẽ được chi ngoài bằng tiền mặt, không cần giấy tờ.
“Trước đây, khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng mới được chăm sóc, thì giờ với món gửi 100 triệu đồng, nhân viên ngân hàng đã phục vụ tận tình. Vào dịp sinh nhật, nhân viên các ngân hàng đến tận nhà tặng hoa và quà. Giá trị lẵng hoa không dưới 500.000 đồng” - ông Tuân nói.
Giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng tiết lộ, từ chiều 19-9, lãi suất huy động của nhà băng này đã được đẩy lên tới 12,5%/năm. Với món tiền gửi từ 150 triệu đồng trở lên sẽ được thỏa thuận lãi suất, thay vì mức 500 triệu đồng như trước.
Theo tìm hiểu, một số ngân hàng nhỏ đã vượt lãi suất huy động ngắn hạn trên 12%/năm. Trong đó, có ngân hàng chấp nhận thỏa thuận lãi suất tới 13,5% và trả luôn tiền mặt cho phần chênh lãi suất.
Giao dịch viên của một ngân hàng quốc doanh cho biết: “Vì huy động vốn rất khó nên nhân viên giao dịch cũng bị khoán chỉ tiêu huy động. Phòng tôi có 5 người, phải huy động tối thiểu 110 tỷ đồng/tháng. Thời điểm nào khó khăn quá, sếp sẽ khoán chỉ tiêu cho từng người”.
Theo nhân viên này, do ngân hàng chỉ huy động với lãi suất 9%/năm, nên lượng tiền gửi chủ yếu là từ khách hàng quen, ít phát sinh mới. Nhưng để giữ chân khách hàng và duy trì lượng tiền gửi, phòng giao dịch phải lập quỹ riêng để chi thêm tiền cho khách.
Một nhân viên mới của ngân hàng cổ phần thuộc nhóm 1 (tăng trưởng 17%), cho biết, mỗi tháng chị phải huy động được 2 tỷ đồng.
Việc “đi đêm” lãi suất là một trong những giải pháp tình thế để cứu vãn thanh khoản, và năm nay sẽ còn căng hơn.