Ai sẽ ngồi vào ghế nóng TGĐ FPT sau Bùi Quang Ngọc?

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Một số người am hiểu về FPT dự đoán: Người kế nhiệm vị trí ghế nóng sau Bùi Quang Ngọc có thể sẽ là Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Software.

Một số người am hiểu về FPT cho rằng: Ông Bùi Quang Ngọc lên ngồi vị trí “ghế nóng” chỉ là một bước đệm và trong 1, 2 năm tới, FPT sẽ chuyển giao lãnh đạo tiếp một lần nữa.

Theo nhận định của một cựu nhân viên FPT, FPT sẽ có CEO mới và một một nhân vật duy nhất có khả năng, tuổi tác sau đúng 1 thế hệ, về mặt uy tín, thành công cũng ngang ngửa với Trương Đình Anh. Đó là Hoàng Nam Tiến, sinh năm 1969, hiện đang là Chủ tịch HĐQT FPT Software.

Hoàng Nam Tiến rất máu lửa

Có thể nói, Hoàng Nam Tiến là một trong những lãnh đạo xuất sắc ở FPT, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 2. Không phải bây giờ, người ta mới nhắc đến Hoàng Nam Tiến khi nói về ứng cử viên sáng giá cho vị trí TGĐ, báo chí đã đề cập tới vấn đề này từ rất lâu rồi. "Thần dân" FPT cũng đã thầm đề cử Tiến vào ngồi “ghế nóng” từ trước khi Trương Đình Anh lên nắm quyền.

Trong mắt của dân FPT, Hoàng Nam Tiến là "chiến tướng" từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Tập đoàn FPT, với đỉnh cao là giai đoạn 2003-2008 khi Công ty Phân phối FPT (nay thuộc FPT Trading) do anh làm Tổng Giám đốc đã nhanh chóng phát triển được mạng lưới phân phối lớn nhất tại Việt Nam và liên tục đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn.

Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Fsoft được nhiều người kỳ vọng là thế hệ kế tiếp ngồi vào
Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Fsoft được nhiều người kỳ vọng là thế hệ kế tiếp ngồi vào "ghế nóng" sau Bùi Quang Ngọc.

Tháng 10/2011, anh được bổ nhiệm thay anh Nguyễn Thành Nam giữ chức Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software), đưa đơn vị quay trở lại tốc độ tăng trưởng 30% , trở thành công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) cùng NeoGroup (Mỹ) đánh giá.

Chủ tịch FPT Software này cũng là đại diện duy nhất trong lĩnh vực phần mềm được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Trí thức khoa học công nghệ trẻ Việt Nam công nhận là gương mặt tiêu biểu trên mặt trận kinh tế Việt Nam năm 2012.

“Nếu so sánh với những người khác thì Tiến khá giống Chủ tịch Trương Gia Bình nhất. Ở công việc kinh doanh, anh rất nhanh nhạy, trong đời sống vẫn giữ theo phép nhân trị vốn là văn hóa ở FPT. Tiến luôn cổ vũ phong trào của FPT, trong đêm nhạc rock, anh là người manager duy nhất cởi áo ra nhảy cùng anh em. Tất cả các hoạt động của FPT, anh đều tham gia, từ thể thao, bóng đá tới văn hóa, văn nghệ… Anh cũng bình dị giống như cựu CEO Nguyễn Thành Nam vậy!” – Anh Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán – Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, người đã từng 12 năm làm tại FPT nhận xét.

Trong tâm trí của anh Trần Nam Dũng thì Hoàng Nam Tiến rất máu lửa, hơn Trương Đình Anh ở chỗ là được lòng anh em, được cả trên, được cả dưới. Bên cạnh đó, vì là con của một vị tướng nên Hoàng Nam Tiến có những tố chất được di truyền, không cần học cũng có.

Ngoài ra, cũng theo ý kiến của một số chuyên gia am hiểu FPT thì “ghế nóng” phải được giao cho Hoàng Nam Tiến để cân bằng cả 2 bên, giữa một bên pháp trị và một bên nhân trị.

“Nếu FPT nhấn mạnh về phần mềm thì người xứng đáng vị trí TGĐ có lẽ không ai khác ngoài Hoàng Nam Tiến. Đợt vừa rồi, Tiến đi công tác rất nhiều, lấy được nhiều hợp đồng cho Fsoft. Đồng chí này làm việc rất máu, rất hay” – Một thành viên của FPT Software nhận xét.

Tại sao FPT chưa giao quyền cho Hoàng Nam Tiến?

Dân FPT thường gọi Hoàng Nam Tiến với cái tên giản dị, thân thương là Tiến “béo”. Trong "sử ký" FPT, dân FPT đã nói vui rằng “anh giống một đại ca giang hồ, tương tự như những cái tên Khánh "trắng", Phúc "bồ", khi nhắc đến người ta có cảm giác sờ sợ, nê nể, hơi tò mò pha lẫn sự ngưỡng mộ vì những điều mình không thể bắt chước được”.

"Sử ký" FPT kể: “Hồi ấy Tiến "béo" mới vào công ty, chỉ là nhân viên bán hàng phọt phẹt gì đó. Một lần, trưởng phòng đi vắng nên được đi họp thay, thấy các anh giám đốc say sưa nói luyên thuyên về chiến lược, chiến thuật phân phối, tức mình đứng lên bảo: “Các anh ngu bỏ m...”. Mấy sếp nóng mặt nhưng cũng đang bí nên hỏi lại: “Thế mày làm được không?”. Tiến "béo" bảo: “Tất nhiên là được”, nhờ đó mới có Tiến "béo" ngày hôm nay”.

Hoàng Nam Tiến hơn Trương Đình Anh ở chỗ: Rất được lòng anh em!
Hoàng Nam Tiến hơn Trương Đình Anh ở chỗ: Rất được lòng anh em!

Ở Tiến “béo” hội tụ đầy đủ cả “Nhân – Nghĩa – Lễ - Dũng – Trí – Tín”.

Trong đó, chữ Nhân phải kể đến là cách anh tin tưởng, chỉ bảo, hướng dẫn và giao những việc lớn cho các thành viên ở FPT.

Cái trí của Hoàng Nam Tiến thể hiện qua câu chuyện diễn ra vào khoảng năm 1996-1997, FPT bắt đầu làm phân phối máy tính Compaq. Năm ấy Công ty Thakral Brother cũng bước chân vào thị trường Việt Nam. Với tiềm lực rất mạnh về tài chính, ông Sing Thakral (Giám đốc công ty) đã đàm phán với Compaq để mua toàn bộ lô PC tốc độ 75 Mhz mà Compaq có tại ASEAN.

Vì mua số lượng lớn nên họ có giá rẻ kinh khủng và khả năng cạnh tranh với Thakral là không tưởng. FPT đứng trước nguy cơ bị đẩy ra rìa trong thị trường phân phối. Tiến "béo" lúc này đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp các công ty tin học ở Hà Nội. Trong hội nghị, Tiến "Béo" đã cho mọi người thấy sự nguy hiểm khi một công ty nước ngoài nhảy vào cướp miếng ăn tại Việt Nam và đề nghị anh em kinh doanh tin học bất hợp tác với Thakral.

Sau buổi họp, các công ty đồng loạt chào bán PC Compaq 100 Mhz do FPT cung cấp, loại 75 Mhz của Thakral tuy giá rất tốt nhưng không thể đến tay người tiêu dùng nên bị ế thê thảm. Đến nửa năm sau, khi FPT đang bán PC tốc độ 133, 166 thì Thakral vẫn còn vật vã với đống 75 Mhz đó.

Việc làm của Tiến được coi là một bài học mẫu mực về sự kết hợp nhuần nhuyễn của việc biết mình, biết người, lấy sở trường của mình "địch" với sở đoản của họ, tận dụng quan hệ tốt sẵn có với việc đem lại lợi ích cho đối tác, tính thời điểm và sự hiểu biết chu kỳ sản phẩm.

Khi trả lời câu hỏi của đồng nghiệp trẻ về việc làm thế nào để đạt được thành công, Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: “Hãy là người xung phong nhận trách nhiệm. Tiếp đến là phải lao động chăm chỉ và quên mình. Cộng lại sẽ thành công”.

Sở dĩ Trương Gia Bình chưa giao quyền cho Hoàng Nam Tiến ngay trong lần chuyển giao này, mà lại chọn Bùi Quang Ngọc là bởi chuyển giao lãnh đạo phải trải qua một quá trình. Nếu muốn Hoàng Nam Tiến lên ngồi vị trí TGĐ thì phải cơ cấu dần dần, trước đó, phải bổ nhiệm Hoàng Nam Tiến làm Phó Tổng GĐ, chứ không thể đẩy một phát lên ngay.

Hơn nữa, phải bàn với những người đi trước để thống nhất quan điểm, cũng như cần thời gian để bàn giao trên giấy tờ bổ nhiệm, bàn giao cách điều hành. Trương Đình Anh trước đó là Phó TGĐ nên chuyển giao lãnh đạo cũng dễ dàng hơn” – một chuyên gia cho biết.

Nhiều thành viên của FPT cũng đồn đoán về việc FPT sẽ chọn Hoàng Nam Tiến lên thay trong một tương lai gần, tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng: Sức khỏe của Hoàng Nam Tiến không đủ để đảm bảo công việc.

Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng: Hoàng Nam Tiến không muốn nhận chức bởi chiếc ghế “quá nóng”. Hiện tại, Tiến đã có đầy đủ: tiền tài, danh vọng và sự nổi tiếng, nếu ngồi vào vị trí, vai trò TGĐ FPT chẳng khác nào “cưỡi trên lưng hổ”, cuộc sống sẽ bị xáo trộn – và nhiều người cho rằng đây là điều mà Hoàng Nam Tiến không hề muốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại