1. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB
Chiều tối ngày 21/8, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập NH thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.
Tiếp theo đó, đến ngày 18.9, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đã quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, bộ luật Hình sự.
Sinh năm 1964, ông Kiên từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hungary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi.
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo cáo bạch 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn.
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên".
2. Cựu CEO ACB Lý Xuân Hải
Ngay sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB bị bắt vào chiều ngày 20/8, thông tin ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB bị bắt cũng lan rộng. Ngày 23/8, thông tin về việc bắt tạm giam ông Hải được công bố rộng rãi.
Cơ quan điều tra cho biết thời gian tạm giam đối với Lý Xuân Hải là 4 tháng, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.
Sinh năm 1965 tại Hà Nội, ông Hải có một thời gian dài 16 năm gắn bó với ACB và được bổ nhiệm làm tổng giám đốc vào tháng 6/2005, việc Lý Xuân Hải bị tạm giam, với không ít người, là thông tin gây sốc. Cựu CEO ACB từng 2 lần được "The Asean Banker" bình chọn là "Nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" năm 2007 và 2010.
3. Cựu Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá
Gần 1 tháng sau khi Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải bị tạm giam để điều tra, ngày 18/9 Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và 2 Phó chủ tịch là Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ bất ngờ từ nhiệm. Theo thông báo của ACB, lý do rời HĐQT của 3 thành viên nói trên đều là cá nhân; trong đó, với Chủ tịch Trần Xuân Giá là vấn đề sức khỏe.
Ngay sau thông tin từ nhiệm của 3 “chóp bu” nói trên, tin đồn ông Giá bị bắt tạm giam lại râm ran. Ngày 21/9, ông Trần Xuân Giá xuất hiện trên báo chí, bác bỏ thông tin cho rằng mình bị bắt. Đồng thời, có thông tin cho rằng, ông Giá đang bị bệnh nặng.
Ngày 27/9, Bộ Công an cho biết, bị can Trần Xuân Giá cùng một số bị khởi tố, nhưng được tại ngoại trong quá trình điều tra, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cựu lãnh đạo ACB bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Từng làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997-2002, rời cương vị này, ông Trần Xuân Giá làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. Từ 1/10/2006, theo quyết định của Thủ tướng, ông Giá nghỉ hưu, thôi làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Ông gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT.
4. Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Eximbank Phạm Trung Cang
Cũng liên quan đến công việc khi còn làm Phó chủ tịch HĐQT tại ACB, ông Phạm Trung Cang chính thức từ nhiệm chức danh Phó chủ tịch Eximbank hôm 19/9.
Ông Phạm Trung Cang (Ảnh: CafeF/TTVN)
Sau đó vào ngày 27/9, cùng với ông Trần Xuân Giá và một số nhân vật khác từng công tác tại ACB, ông Phạm Trung Cang cùng bị khởi tố, nhưng được tại ngoại trong quá trình điều tra, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng với một số người khác, ông Cang bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Nguyên Phó Tổng giám đốc Seabank Nguyễn Thị Hương Giang
Ngày 3/12, Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án Nguyễn Thị Hương Giang (39 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SeABank, kiêm giám đốc chi nhánh Hai Bà Trưng) lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Bà Giang bị cơ quan điều tra cáo buộc có hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh đã được phát hành lên tới trên 310 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các bảo lãnh này đều không có tài sản đảm bảo.
Trước đó, ngày 28/4, SeABank đã miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Giang.
(tổng hợp)