5 lần 7 lượt bị Trung Quốc lừa, bao giờ dân Việt mới "sáng mắt"?

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Liên tục trong thời gian gần đây, người nông dân Việt dính "bẫy" của thương lái Trung Quốc dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười".

Ớt vừa bị thương lái Trung Quốc "bỏ bom" thối đầy ruộng chưa nguôi ngoai thì lại đến cảnh chuối "te tua" vì chẳng bán được cho "ma" nào.

Thế nhưng, mới những "món đòn" quen thuộc, đánh đúng tâm lý hám lợi của người dân, hết lần này đến lần khác nông dân Việt bị lừa. Ồ ạt gom hàng dự trữ, hối hả tận diệt thiên nhiên... để rồi lại chính là người chịu thiệt thòi, thua lỗ. Đã có rất nhiều cảnh báo đến người dân nhưng dường như tất cả đều là "nước đổ ngoài tai". Bao phen khốn đốn, lao đao mà người dân vẫn không "sáng mắt" ra được.

Dân trồng ớt Bình Định khổ vì lái buôn Trung Quốc

Vụ ớt năm nay tại huyện Phù Mỹ (Bình Định), có thời điểm giá ớt tươi đạt đỉnh 50.000 đồng/kg, người trồng ớt mát dạ thu lãi. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2014, giá ớt rớt giảm xuống 20 lần còn 2.000 - 2.500 đồng/kg. Nhiều ruộng ớt chín đỏ rực mà nông dân chỉ có thể đứng nhìn.

“Cách đây khoảng 2 tháng, ớt trái lớn có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, ớt nhỏ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Thế nhưng giá ớt đang xuống dốc không phanh. Mấy đầu nậu trước đây mua nhiều để xuất sang Trung Quốc, bây giờ 'lơ' ớt hết rồi. Họ nói thị trường ở bển không chuộng nữa, giờ mà tui thu hoạch mấy sào ớt thì lại tốn tiền công, rồi bỏ khô”, bà Trần Thị Tiến (ở xã Mỹ Quang, Phù Mỹ) than thở.

Không khí ảm đạm đang bao trùm các vùng chuyên canh ớt ở Phù Mỹ, từ khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua ớt. Ông Nguyễn Văn Tân (ở Mỹ Quang) nói: “Nhà trồng 4 sào ớt sừng, lứa đầu bán 32.000 đồng/kg, gọi là có cái ăn. Giờ mỗi ký chỉ còn 1.000-2.000 đồng, mà thương lái chẳng thèm ngó ngàng. Ức quá, mà chẳng biết làm cách nào để lấy lại vốn đầu tư...”.

Thương lái Trung Quốc tận thu cá sấu con

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm hợp tác xã cá sấu giống Nam Bộ (quận 12, TP.HCM) cho biết, gần đây thị trường Trung Quốc săn mua ráo riết cá sấu sống, đặc biệt là cá sấu con có trọng lượng 3-5kg, khiến giá cá sấu tăng chóng mặt. Thời điểm này năm ngoái giá cá sấu sống chỉ từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg, nhưng nay lên xấp xỉ 230.000 đồng/kg.

Theo ông Thành, trước đây thương lái Trung Quốc chủ yếu mua cá sấu sống từ 10kg trở lên, nhưng khoảng hai tháng qua họ lại tận thu cá sấu con. “Không biết nguyên nhân vì sao phía Trung Quốc lại tận thu cá sấu con, trong khi giá cao nên người nuôi đang ào ạt xuất bán cá sấu con để nhanh kiếm lời. Tình hình này kéo dài rất có thể sẽ làm sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai”, ông Thành lo lắng.

Trại cá sấu bố mẹ của hợp tác xã cá sấu giống Nam Bộ hiện chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về giống
Trại cá sấu bố mẹ của hợp tác xã cá sấu giống Nam Bộ hiện chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về giống.

Hám lợi, người nông dân “trượt vỏ chuối”

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, những người trồng chuối đang đứng ngồi không yên. Chỉ cách đây nửa tháng, đầu nậu thương lái Trung Quốc rảo khắp các đồi núi để mua chuối trái với giá 12.000 đồng/kg - mức giá chưa bao giờ người dân nghĩ đến. Thế nhưng, hiện tại, khi thương lái Trung Quốc biệt tăm, giá chuối rớt như không có điểm dừng, hiện chỉ còn 7.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.

Nhiều người dân ở huyện Tuy An cho biết, trước đó, một thương lái tên là Nguyễn Duy Mão (được giới thiệu là người Lạng Sơn, có gia đình bên Trung Quốc) mỗi ngày thường mua 40-60 tấn chuối ở Phú Yên để chuyển cho gia đình bên Trung Quốc. Khi giá chuối rớt thê thảm thì ông Mão cũng biến mất.

Ngư dân “sống dở chết dở” vì trúng bẫy Trung Quốc

Gần đây, không ít ngư dân và chủ vựa thu mua hải sản ở các cửa biển tại Cà Mau như Sông Đốc, Khánh Hội,… đã “sập bẫy” thương lái Trung Quốc, khi không bán được con banh lông, dù trước đó họ đã chào giá rất cao từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi khai thác con banh lông.
Ngư dân chuẩn bị ra khơi khai thác con banh lông.

Cách nay khoảng 6 tháng, một số thương lái Trung Quốc núp bóng các tiểu thương Việt Nam tìm mua con banh lông với giá cao ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang. Từ mức giá cao ngất ngưởng nêu trên, sau 2 tháng ngừng họ lại tiếp tục thu mua nhưng với giá thấp hơn, khoảng 320.000 - 340.000 đồng/kg. Và cũng như những lần trước, sau 2 tháng ngưng lại, sau đó tiếp tục thu mua với giá 70.000 - 120.000 đồng/kg.

Hiện tại, không còn thương lái nào thu mua nữa khiến ngư dân "sống dở chết dở" khi bỏ ra vài chục triệu đồng chi phí khai thác.

Nông dân tận diệt trầu không

Ở huyện An Lão (Bình Định), lá trầu không cũng đang bị “truy hái” ráo riết. Nguyên nhân do thương lái Trung Quốc tập trung về đây thu mua với giá rất cao.

Những dây trầu trồng ở mép và giữa rừng trên địa bàn huyện này nhanh chóng bị “vặt” sạch, chỉ còn trơ dây. Bây giờ người dân muốn hái lá trầu phải đi vào tận rừng sâu. Sáng sớm mỗi ngày họ ăn no bụng rồi mang theo cơm, chiều tối mới về. Khó khổ là vậy nhưng dòng người đi tìm hái trầu vẫn luôn tấp nập, bởi giá trầu mỗi ngày một tăng. Từ giá 5.000 đồng/kg ban đầu, tăng dần và có lúc đạt đỉnh 45.000 đồng/kg.

Lá trầu xếp gọn để thương lái thu mua.
Lá trầu xếp gọn để thương lái thu mua.

“Điều đáng quan ngại là khi trầu trong những vườn nhà đã hết, người dân đổ xô vào rừng tìm hái. Dây trầu bò trên những cây rừng to, họ không trèo lên được nên đốn cả cây để hái trầu. Đây là mối lo cho những cánh rừng trên địa bàn”, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Lão lo lắng.

Xem thêm clip: Lật mặt thương lái Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại