Tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã đề xuất danh mục đợt đầu gồm 30 dự án nhà ở xã hội để ngân hàng xem xét cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, trong số 30 dự án nói trên có 15 dự án đầu tư xây dựng nhà xã hội đã đăng ký vay vốn đầu tư trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết 02, 12 dự án đăng ký vay vốn sau khi ban hành nghị quyết và 3 dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Điểm đáng chú ý, trong danh sách các dự án được Bộ Xây dựng đề xuất vay vốn đợt đầu chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước, còn lại là những dự án của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước nhưng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Tại thời điểm này, Hải Phòng có 2 dự án đã được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là dự án khu chung cư An Đồng của Công ty PG và dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp Bắc Sơn của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng (CDI). Theo CDI, có 10 khách hàng của công ty đã làm thủ tục vay vốn ưu đãi, trong đó ngân hàng đã thẩm định 2 hồ sơ và sẽ giải ngân trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo xác nhận của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đơn vị này đã cho vay từ gói tín dụng ưu đãi đối với 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, với số tiền vay là 117,7 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vay 540 tỷ đồng để đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang nhà xã hội tại Tp.HCM.
Cả 4 công ty trên đều là các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước. Các dự án khác đang được các ngân hàng khẩn trương thẩm định để quyết định cho vay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập thấp, trung bình và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay thì rõ ràng đây chỉ là gói hỗ trợ tín dụng nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Nam, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ. Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực; phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng còn lại để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp (6%/năm hoặc thấp hơn) nếu có điều chỉnh.
Ông Nam cũng cho hay, hiện cả nước đã có khoảng gần 10 nghìn hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp… Ngoài ra, sẽ có nhiều dự án nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội. Vì vậy, nguồn cung cho nhà ở xã hội sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
“Chúng ta không hy vọng với quy mô gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân mà là để tạo cú hích ban đầu. Còn lâu dài phải kết hợp các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, người dân… Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70 - 80%. Vì vậy, việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp để giải quyết từng bước…”, ông Nam nhấn mạnh.