3 điểm yếu của "gã khổng lồ" nổi tiếng thế giới Starbucks tại VN

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Khi “gã khổng lồ” Starbucks tới Hà Nội, không thấy hiện tượng người dân xếp hàng chờ uống cà phê như trong Sài Gòn.

Ngày 23/7 vừa qua, chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội trên phố Hàng Bài. Cửa hàng đều có thiết kế đậm bản sắc văn hóa địa phương với mục đích thu hút khách hàng công sở, người ra vào trung tâm mua sắm, giới trẻ, tầng lớp trung lưu và khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ông Hoàng Tùng, chuyên gia marketing, sáng lập viên/Quản lý Pizza Home Hanoi – người đã trực tiếp thưởng thức ly cà phê Starbucks tại đất thủ đô lại nhận xét : Khi tới Hà Nội, hiệu ứng Starbucks tại Việt Nam không còn quá mạnh nữa!

Starbucks sẽ kiên nhẫn chờ người Việt thay đổi khẩu vị

- Trong nỗ lực chinh phục khẩu vị được cho là khắt khe của người dân thủ đô, mới đây, thương hiệu cà phê toàn cầu Starbucks đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại khu vực Hàng Bài, Hà Nội. Ông đã thử thưởng thức Starbucks tại Hà Nội chưa và cảm nhận của ông về nhãn hiệu cà phê này thế nào?

Ông Hoàng Tùng: Tôi đã thử Starbucks tại Hà Nội. Cảm nhận nói chung là vui vì những người yêu thích cà phê có thêm lựa chọn cho mình. Hơn nữa, lựa chọn đó lại đến từ Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất thế giới.

Tuy nhiên khác với thời điểm mới vào Việt Nam, tôi không thấy có hiện tượng người dân xếp hàng chờ uống cà phê như trong Sài Gòn. Có lẽ hiệu ứng Starbucks tại Việt Nam không còn quá mạnh nữa!

Ông Hoàng Tùng, chuyên gia marketing, sáng lập viên/Quản lý Pizza Home Hanoi
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia marketing, sáng lập viên/Quản lý Pizza Home Hanoi

- Có người từng nói rằng: Starbucks đang lạc lõng giữa gu uống cà phê của người Sài Gòn. Còn với người Hà Nội thì sao, thưa ông?

Ông Hoàng Tùng: Theo tôi nghĩ, những người đã quen uống cà phê kiểu phin truyền thống kiểu Việt Nam sẽ chia sẻ với nhận định có phần khiêu khích của ông chủ Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ, rằng: “Starbuck là nước đường có mùi cà phê”. Phần lớn những người nghiền cà phê kiểu Việt đều thấy vị Starbucks khá nhạt so với khẩu vị truyền thống Việt. Đó là sự thực.

Tuy nhiên, có một sự thực khác, đó là khẩu vị con người có thể thay đổi. Starbucks là thương hiệu đã có bề dày trong việc thay đổi khẩu vị người tiêu dùng bản địa. Ban đầu, người tiêu dùng Mỹ chỉ quen uống cà phê hòa tan với mức giá khoảng nửa đô la một cốc. Không ai ngờ rằng khẩu vị đậm hơn của Starbucks với mức giá gấp 8 lần lại có thể chinh phục khẩu vị người Mỹ. Người Nhật cũng quen uống cà phê với khẩu vị riêng.

Chủ tịch Howard Schulz của Starbucks từng kể lại rằng: “Nhóm phân tích về thông báo rằng Starbucks không có chút khả năng nào thành công tại một thị trưởng bảo thủ về ẩm thực như Nhật”. Tuy nhiên, khi mở cửa hàng đầu tiên tại Tokyo, Howard thấy người Nhật xếp hàng dài và một người đã gọi cafe latte. Ông tin rằng Starbucks có khả năng thay đổi khẩu vị cafe của người Nhật và ông đã thành công. Tôi nghĩ rằng những thương hiệu như Starbucks thừa tiềm lực tài chính và kiên nhẫn để chờ đợi người Việt dần dần thay đổi thói quen uống cà phê, chưa kể là lớp trẻ sẽ nhanh chóng bắt kịp với vị cà phê quốc tế như Starbucks.

Điểm danh 3 điểm yếu của gã khổng lồ Starbucks

- Starbucks tuyên bố sẽ mở hàng trăm cửa hiệu tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.Tuy nhiên, trong lịch sử, Starbucks từng bị nhấn chìm vì chạy theo tham vọng “bành trướng” cửa hàng. Tại Việt Nam, với các lợi thế như chiếm lĩnh định vị “café cao cấp”, “nơi chốn thứ ba”, “café mang đi”,… thì Starbucks có những điểm yếu nào, xin ông cho biết?

Ông Hoàng Tùng: Starbucks tại Việt Nam có khá nhiều điểm yếu. Đó là những điểm yếu mà những thương hiệu cà phê Việt hoàn toàn có thể khai thác.

Starbucks thừa tiềm lực tài chính và kiên nhẫn để chờ đợi người Việt dần dần thay đổi thói quen uống cafe
Starbucks thừa tiềm lực tài chính và kiên nhẫn để chờ đợi người Việt dần dần thay đổi thói quen uống cafe

Thứ nhất: Khẩu vị. Như đã nói, khẩu vị cà phê truyền thống của người Việt mạnh hơn vị của Starbucks rất nhiều. Giữ vững khẩu vị truyền thống là các thương hiệu duy trì được tập khách hàng đông đảo và trung thành nhất hiện nay.

Thứ hai: Thời gian. Starbucks là cà phê mang đi nhưng quy trình làm việc còn chậm (do menu có quá nhiều loại cafe và lượng khách đông). Những thương hiệu cà phê mang đi khác như Dunkin’s Donut có tốc độ tốt hơn. Thương hiệu Việt nếu có thể làm cà phê mang đi với tốc độ nhanh có khả năng thành công.

Thứ ba: Mức giá. Mức giá của Starbucks nói chung là cao hơn mặt bằng thu nhập chung của người Việt nhiều. Ngoài ra, cá nhân tôi thấy rằng định vị “nơi chốn thứ 3” của Starbucks tại Việt Nam không đạt. Có lẽ bởi không gian quá ồn ào và nhộn nhạo. Không gian đó khó có thể là “nơi chốn thứ 3” thực thụ.

- Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên đã từng nói: Ông không xem "người bạn mới từ nước Mỹ" như một mối đe dọa. Tuy nhiên, với sự mở rộng ngày càng nhiều các cửa hàng lớn trên khắp cả nước, theo ông, Starbucks có thực sự là mối đe dọa hàng đầu của Trung Nguyên? Liệu Trung Nguyên có thể sống tốt cùng Starbucks?

Ông Hoàng Tùng: Theo tôi, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói vậy là xác đáng. Bởi xét về mặt khẩu vị, rất khó để những người đang quen vị Trung Nguyên chuyển sang uống Starbucks. Ngược lại, nhóm khách hàng mà Starbucks nhắm tới dường như trùng hợp với tập khách hàng cốt lõi của Highland Coffee hơn là Trung Nguyên.

Thị trường cần có sự cạnh tranh để phát triển. Sự xuất hiện của Starbucks là cần thiết và cũng là dấu hiệu lành mạnh để các chuỗi quán cà phê Việt như Trung Nguyên, Highland v.v... nhìn lại mình và nâng cao dịch vụ hơn nhằm giữ vững thị phần trước các ông lớn quốc tế. Bởi ngoài Starbucks, những thương hiệu khác như McDonald’s hay Dunkin’ Donut cũng sử dụng cà phê như một trong những sản phẩm cốt lõi để lôi kéo khách hàng. Xét cho cùng, nhiều thương hiệu với những khẩu vị khác nhau sẽ có lợi hơn đối với người tiêu dùng.

Chuyện chia sẻ thị phần là điều đương nhiên nhưng tôi nghĩ rằng những thương hiệu Việt mạnh như Trung Nguyên hoàn toàn có thể tồn tại trước áp lực của các đối thủ ngoại như Starbucks.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>> Xem thêm clip: Hành trình ly cà phê Starbucks

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại