3 chuyên gia nổi tiếng VN nói về "thời cơ vàng" mang tên TPP

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Ba chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đều nhận định, việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thời cơ của nền kinh tế Việt Nam năm 2014.

Năm 2013 đã khép lại với rất nhiều sự kiện gây xúc động và phẫn nộ; hy vọng và bối rối. Báo điện tử Trí thức trẻ xin trân trọng gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: NĂM 2013, 2014 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHỮNG CHUYÊN GIA NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM.

BÀI 1: Hy vọng và tuyệt vọng của "Bông hoa thép trên thương trường Việt Nam"

BÀI 2: TS Alan Phan "chẩn bệnh": 3 điểm bất an của kinh tế Việt Nam

BÀI 3: TS Alan Phan: Tất cả dự báo bất động sản có thể sai hết

BÀI 4: Năm 2014 nên đầu tư vào lĩnh vực nào để thu lời?

BÀI 5: Bà Phạm Chi Lan: Hy vọng mới từ thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng

Năm 2014 bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những kỳ vọng được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến, đó là việc, chúng ta đang tiến hành và mong muốn kết thúc sớm đàm phán các hiệp định thương mại, quốc tế trong năm nay.

Trao đổi tại buổi LeaderTalk: Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ba chuyên gia kinh tế hàng đầu là TS Lê Đăng Doanh; bà Phạm Chi Lan và TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng viện phát triển kinh doanh BDI đều chung nhận định, việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là thời cơ rất lớn của nền kinh tế Việt Nam năm 2014.

Chia sẻ về việc đàm phán TPP của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng, đây là đàm phán quan trọng số 1 của chúng ta trong năm 2014 và nó sẽ mở ra nhiều thời cơ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan.
Bà Phạm Chi Lan.

"Năm 2014 là một năm mà có lẽ sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của chúng ta trong hội nhập kinh tế quốc tế với hàng loạt các đàm phán được hy vọng sẽ kết thúc trong năm nay. Theo đó, đàm phán quan trọng số 1 của chúng ta hiện nay là đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nếu như WTO trước đây chúng ta tham gia chủ yếu là các hiệp định về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư... thì bây giờ TPP đi vào chiều sâu hơn, bao gồm tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội ở tất cả 12 quốc gia tham gia đàm phán.

Việc tham gia của các nước đáp ứng sự hội nhập sâu rộng hơn, đồng thời là đáp ứng yêu cầu cạnh tranh gay gắt hơn, chất lượng cao hơn...

Với Việt Nam, khi chúng ta tiến hành đàm phán TPP thì cũng đã phát triển kinh tế xã hội lên một mức cao hơn so với thời kỳ đàm phán WTO, quy mô nền kinh tế cũng lớn hơn và quá trình hội nhập hiện nay sâu, rộng hơn. Có thể nói rằng, gia nhập Asean là quá trình hội nhập bước 1, gia nhập WTO là bước 2 và đàm phán TPP là bước 3 của Việt Nam.

Ngoài ra là hàng loạt các hiệp định khác cũng đang được chúng ta đang phán và đến năm 2015 sẽ có khoảng 55 FTA với các nước khác nhau trên thế giới. Rõ ràng đây là giai đoạn mới của chúng ta khi bước vào hội nhập với nhiều thời cơ nhưng bên cạnh đó cũng là những thách thức mới...", bà Lan cho hay.

Đồng quan điểm đó, TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh, TPP sẽ mở ra nhiều thời cơ, tham vọng cho nền kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh (đứng).
TS Lê Đăng Doanh (đứng).

"TPP là hiệp định tham vọng, mở ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu như 10 nước Asean, thì Việt Nam chủ yếu là cạnh tranh bởi các nước này cũng sản xuất những mặt hàng tương tự như nông sản, dệt may... nhưng vào TPP thì các nước cạnh tranh chủ yếu với chúng ta không vào. 

Chúng ta sẽ ở trong khối với các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... với cơ cấu nền kinh tế, sản xuất những mặt hàng, trình độ khác hẳn. Như vậy, chúng ta sẽ bổ sung cho họ và họ sẽ bổ sung cho chúng ta, ví như chúng ta sản xuất nông sản, dệt may xuất khẩu rồi lại mua máy bay Boeing, hàng điện tử.

Với những tính toán cơ bản thì TPP sẽ mở ra những lợi ích rất lớn, chẳng hạn với dệt may của chúng ta đang xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế xuất 17,8% thì sẽ giảm xuống còn 0% và như thế thì giá trị xuất khẩu có thể lên tới 20 tỷ USD vào năm 2020, 30 tỷ USD vào năm 2030... Về nông sản cũng như vậy.

Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi sự thay đổi của chúng ta. Đặc biệt, trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu và vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các phần mềm khá tùy tiện...

Những lĩnh vực khác như mua sắm Chính phủ thì WTO không quy định nhưng TPP sẽ có đề nghị kiểm soát và sẽ phải có doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu...

Chương trình hành động của TPP có thể nói là rất phù hợp với thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, tức là cải cách thể chế, dân chủ, thực hiện cạnh tranh, cơ chế thị trường, kiểm soát độc quyền... Việc gia nhập TPP là một cú hích lớn trong việc cải cách, tái cấu trúc lớn...", TS Doanh khẳng định.

Cũng đánh giá việc đàm phán TPP sẽ mang lại những thời cơ lớn cho nền kinh tế trong năm 2014, tuy nhiên TS Lê Xuân Nghĩa lại chỉ ra những thách thức mà chúng ta sẽ phải đón nhận và thay đổi.

TS Lê Xuân Nghĩa.
TS Lê Xuân Nghĩa.

"WTO thì không đàm phán về doanh nghiệp Nhà nước nhưng TPP thì lại đàm phán, đặc biệt TPP có những quy trình rất khắt khe. 

Trước hết là phải minh bạch tuyệt đối cả về báo cáo tài chính và từng giao dịch của doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp công. Thứ hai là về sở hữu trí tuệ rất khắt khe. 

Thứ ba chính là về lao động, việc sử dụng lao động trẻ em là nghiêm cấm tuyệt đối và tổ chức công đoàn phải được tổ chức tự do...

Một điều vô cùng quan trọng là toàn bộ sản phẩm của chúng ta chế biến, chế tạo thì nguồn nguyên liệu phải từ một quốc gia trong khối TPP chứ không được lấy ở nước ngoài. Đây là một điều rất khó khi mà một phần nguyên liệu của chúng ta đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nếu như WTO là một bộ quy tắc và ai đáp ứng được thì có thể trở thành thành viên còn TPP là đám phán song phương vô cùng gay cấn. TPP có ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống xã hội. 

Một trong những điều mà chúng ta rất quan tâm đó là, ví như chính quyền cấp thủ tục chậm hoặc không nói rõ lý do thì doanh nghiệp trong nước, quốc tế có quyền kiện ra tòa án quốc tế...", TS Nghĩa nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại