Thông tin mới nhất từ Bộ Thông tin truyền thông cho biết, Chính phủ đã đồng ý trên nguyên tắc để Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thu nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1/1/2012.
Trong thông báo từ Văn phòng Chính phủ, từ nay đến thời điểm đó, Viettel và EVN Telecom cần thống nhất cụ thể các vấn đề liên quan như: phương án tiếp nhận tài sản; tiếp nhận nợ; tiếp nhận và sử dụng người của EVN Telecom; lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác; phương án khai thác hạ tầng của EVN Telecom...
Lãnh đạo Hanoi Telecom, đơn vị đã cố gắng xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom thì cho rằng, nếu Viettel sáp nhập toàn bộ EVN Telecom sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lớn độc quyền, vi phạm luật cạnh trạnh.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính), Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không “độc quyền” mà chỉ “thống lĩnh thị trường”.
Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.
Hanoi Telecom cũng đã đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỷ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom do Hanoi Telecom (cụ thể là mạng Vietnamobile) bị đối xử “không công bằng”.
Nguồn SGGP