Chỉ số Tham nhũng 2012 do TI công bố mới đây xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên mức độ tham nhũng của các cơ quan và tổ chức công quyền, với thang điểm từ 0 (tham nhũng nhiều nhất) cho tới 100 (minh bạch nhất).
Cùng với điểm số 90 điểm, ba quốc gia Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand được đánh giá là những nước tham nhũng nhất thế giới. Trong khi đó, Somali, Triều Tiên và Afghanistan “đội sổ” với mức điểm cùng là 8.
Việt Nam xếp hạng 123/176 quốc gia và vùng lãnh thổ với 31 điểm. Năm ngoái, Việt Nam được 29 điểm, đứng ở vị trí 112/183 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Bằng sự kết hợp của nhiều cuộc điều tra và đánh giá về “mức độ lạm dụng quyền lực được trao để trục lợi cá nhân”, Chỉ số Tham nhũng của TI chính là dữ liệu được sử dụng rộng rãi nhất về tình trạng tham nhũng trên thế giới.
10. Haiti
Báo cáo Nhân quyền 2011 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, tham nhũng "vẫn còn lan tràn tại mọi ngóc ngách và cấp bậc trong Chính phủ Haiti", thậm chí sau khi nước này bầu ra một tổng thống mới cùng năm.“Ở nước này, mọi thứ đều là tiền. Những thứ khác đều vô giá trị”, ông Stanley Gaston, Chủ tịch Hiệp hội Pháp lý Port-au-Prince, phát biểu.
Haiti có hai cơ quan chống tham nhũng, nhưng các cơ quan này cũng liên tục từ chối theo đuổi các vụ tố giác về tham nhũng và biển thủ.
9. Venezuela
Việc phát hiện ra trữ lượng dầu lửa khổng lồ ở Venezuela càng khiến nạn tham nhũng ở nước này trở nên phổ biến. Vào những năm 1970, người dân Venezuela thâm chí còn gọi dầu lửa khai thác từ lòng đất là "chất thải của quỷ dữ".
Từ sau khi Tổng thống Hugo Chavez đắc cử vào năm 1999, tình hình cũng không được cải thiện là mấy.
"Nạn tham nhũng ở Venezuela quá lớn tới mức tràn cả ra ngoài. Ngày càng có nhiều hoạt động tội phạm bắt nguồn từ nước này”, ông Joel Hirst, nhân viên tại Hội đồng Quan hệ quốc tế ở Washington (Mỹ), nói trên hãng tin Bloomberg.
8. Iraq
“Hàng triệu USD đã bị đánh cắp, và một phần số tiền này về tay các nhóm khủng bố. Chính phủ Iraq không thể thắng trong cuộc chiến chống quân nổi dậy nếu họ không thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng trước. Và cuộc chiến chống tham nhũng còn khó khăn hơn nhiều”, một cựu chính trị gia Iraq lưu vong nói trên BBC vào năm 2009.
Từ đó đến nay, Chính phủ Iraq đã có nhiều nỗ lực, nhưng tháng 10 vừa qua, một hợp đồng vũ khí trị giá 4,2 tỷ USD của Iraq với Nga đã bị hủy do cả hai bên đều lo ngại về tham nhũng.
7. Turmenistan
Điểm số: 17
Hệ thống luật pháp kém phát triển đã khiến quốc gia này ngày càng dễ bị tổn thương trước tình trạng tham nhũng trong khu vực nhà nước, và tình trạng này khiến hệ thống luật pháp đã yếu càng thêm yếu.
Các quan tòa ở Turmenistan không được đào tạo bài bản và sẵn sàng nhận hối lộ. Trong khi đó, toàn bộ đất đai thuộc về chính phủ, còn các quyền sở hữu khác đều bị hạn chế. Tổng thống Turkmenistan có thể tùy ý dùng doanh thu từ bán tài nguyên dầu mỏ và than đá vốn là nguồn thu chính của nước này. Việc ngân sách quốc gia chẳng bao giờ được công khai đầy đủ.
6. Uzbekistan
Điểm số: 17
Tình trạng tham nhũng ở Uzbekistan cũng không kém gì ở quốc gia láng giềng Turkmenistan. "Người dân nước tôi đã quen hối lộ tất cả, dù là giáo viên hay bác sĩ. Chúng tôi cần tuyên truyền cho mọi người biết việc làm đó là sai", một nhân viên thuộc cơ quan chống tham nhũng của Bộ Nội địa nước này phát biểu.
Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch và các chính trị gia khó uốn nắn ở Uzbekistan khiến nhiệm vụ này gần như là không thể thực thi. "Các nhà cầm quyền trên thực tế không có chút trách nhiệm nào về việc này. Ở đây không có phe đối lập, không có xã hội dân sự và cũng chẳng có tự do báo chí", ông Miklos Marschall, Phó giám đốc điều hành TI, nhận xét.
5. Myanmar
Sau 50 năm nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, từ tháng 3/2011, Myanmar đã thực hiện một loạt cải tổ, bao gồm soạn thảo một bộ luật chống tham nhũng, trong đó quy định công chức phải trả lại tiền biển thủ và người dân phải thông báo về việc tham nhũng và đưa hối lộ.
Tuy nhiên, quốc gia giàu tài nguyên, như dầu mỏ, gỗ và đá quý này vẫn chịu ảnh hưởng của những nhân vật thuộc chế độ độc tài quân sự cũ.
Hãng tin tài chính Bloomberg đã phỏng vấn một người cung cấp hàng hóa cho Chính phủ Myanmar, và người này nói rằng: "Chúng ta cần phải nhìn vào toàn bộ văn hóa, lịch sử. Những tổ chức ấy muốn được nhận lại thứ gì đó. Làm sao có thể xóa bỏ một văn hóa chỉ trong một đêm được”.
4. Nam Sudan
Quốc gia này có sản lượng dầu lửa đạt mức nửa triệu thùng mỗi ngày. Từ năm 2005 đến nay, doanh thu 10 tỷ USD từ dầu lửa của Nam Sudan đóng góp gần 98% ngân sách cho chính phủ.
Tuy nhiên, kể từ khi giành quyền tự chủ vào năm 2005, quốc gia trẻ nhất châu Phi này đã mất gần 4 tỷ USD vì tham nhũng. Chưa một quan chức nào tại đây bị khởi tố vì tội tham nhũng, dù Nam Sudan đã thành lập hẳn một cơ quan chuyên trách vấn đề này.
3. Afghanistan
Afghanistan rơi xuống đáy bảng xếp hạng năm nay sau một cơ quan kiểm toán mật thuộc tòa án phát hiện ra rằng, ngân hàng lớn nhất nước này là Kabul Bank hoạt động đúng như một tổ chức lừa đảo.
Trong khi ngân hàng này bơm tiền cho giới chính trị và thượng lưu của Afghanistan, thì việc Mỹ lơ là giám sát các hợp đồng ở nước này đã khiến tham nhũng bùng phát trong toàn bộ hệ thống chính trị tại đây.
2. Triều Tiên
Đầu tư nước ngoài ở Triều Tiên gần như là con số 0, và nước này đã oằn lưng gánh chịu tình trạng tham nhũng mang tính chất cơ cấu trong hệ thống chính trị suốt từ đầu những năm 1990. TI cho biết, việc vào hay ra khỏi Triều Tiên đều đòi hỏi những khoản hối lộ lớn.
Khi một vị giáo sư đã hỏi hỏi người dân Triều Tiên họ nghĩ thế nào nếu cảnh sát hoặc quan chức từ chối nhận hối lộ, họ đã tỏ ra lúng túng. Thậm chí, một người bán hàng ở chợ còn nói rằng: "Họ điên à? Thế thì làm sao mà họ sống nổi?".
1. Somali
Trong suốt nhiều năm, Mỹ và Liên Xô cũ đã coi Somali là chiến trường chính trị và thực hiện hỗ trợ tài chính cho các phe phái tại đây, theo đó thổi bùng tình trạng tham nhũng ở quốc gia này.
Sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho chính quyền cựu Tổng thống Siad Barre đã nâng tham nhũng ở nước này lên một mức độ mới.Sau khi Chính phủ Siad Barre sụp đổ vào năm 1991, Somali rơi vào tình trạng không luật pháp và bị điều khiển bởi các nhóm dân quân, tư lệnh.
Một báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) nghi ngờ rằng, khoảng 130 triệu USD mà chính phủ liên minh Somali nhận được trong các năm 2009 và 2010 đã biết mất mà không có chứng từ.