Kinh doanh qua Facebook: Bán nồi cá kho, lo bị thu thuế?

Nam Hải |

Facebook trở thành một môi trường mạng cho các cá nhân có thêm cơ hội kinh doanh. Thông qua Facebook, sản phẩm từ thời trang, mỹ phẩm, công nghệ... đều được đưa lên để kinh doanh.

Có sở thích nấu ăn, chị Nguyễn Thị Nga (Linh Đàm - Hà Nội) thỉnh thoảng vẫn bán đồ ăn do chính mình làm ra trên Facebook. Nghe tin sắp tới phải đóng thuế, chị Nga mấy ngày nay phân vân lo lắng, nếu bị đánh thuế thì cơ hội kiếm thêm thu nhập sẽ phức tạp, khó khăn hơn.

Đã từ lâu, Facebook trở thành một môi trường mạng rất thích hợp cho các cá nhân có thêm cơ hội kinh doanh. Thông qua Facebook, tất cả các sản phẩm từ thời trang, mỹ phẩm, công nghệ, ẩm thực... “thượng vàng, hạ cám” đều được đưa lên để kinh doanh.

Đã từng có trào lưu nhà nhà, người người đua nhau mở cửa hàng trên mạng như một hình thức kiếm thêm thu nhập.

Như trường hợp của chị Nga, ở nhà sinh con, chị tranh thủ lúc rảnh rỗ làm đồ ăn để bán trên mạng. Nhờ vậy, mỗi ngày chị cũng có thêm một khoản thu nhập. Các món ăn chị bán cũng khá đa dạng từ nem rán, chân gà xả ớt, thậm chí cả cá kho, thịt đông,...

Trước việc có khả năng kinh doanh trên Facebook có thể phải nộp thuế, chị Nga lo lắng: “Thực tế, mình buôn bán cò con, chỉ vài đồ ăn linh tinh, đơn hàng lớn cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Hầu hết hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội hiện nay đều được coi là việc kiếm thêm”.

Theo chị Nga, những người kinh doanh trên Facebook như chị đều gặp khó khăn do không có điều kiện làm ăn lớn như mở cửa hàng hay trang web thương mại điện tử. Họ tận dụng lợi thế từ mạng xã hội Facebook để buôn bán.

Vì thế, chị Nga cho rằng, cần đánh giá từng đối tượng cụ thể để thu thuế vì nhiều người bán hàng trên Facebook chỉ là thú vui hay làm thêm nhỏ lẻ thì đã cần thu thuế chưa. Còn với các đối tượng sử dụng Facebook như một kênh bán hàng lớn thì nhất định phải đóng thuế.

Cũng thường xuyên bán đồ nông sản ở quê trên Facebook, chị Hoàng Thu Hiền (Cửa Nam, Hà Nội) cho biết, chị đồng tình với việc thu thuế nếu các hộ kinh doanh có lãi thực sự. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào kinh doanh trên Facebook cũng vì kiếm lợi nhuận.

Mỗi tuần, chị bán rau, củ quả, nông sản từ quê gửi ra, trung bình mỗi dịp bán hàng, số tiền thu về lên tới vài triệu đồng. So với bán buôn thì khá lãi nhưng số tiền này chị đều gửi vào làm từ thiện.

Bên cạnh đó, chị Hiền cũng đặt câu hỏi về tính công bằng, “cơ quan chức năng sẽ khó có thể kiểm soát hết được việc kinh doanh buôn bán trên facebook nếu họ cố tình không khai báo thuế", chị cho biết.

Chuyên kinh doanh Facebook với thu nhập tương đối lớn, chị Trang - chủ một shop hàng Nhật chia sẻ, để có doanh thu như vậy, chị phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối để chạy quảng cáo, thu hút khách hàng bằng khuyến mại,...

Chị nhận định nếu thu thuế chị sẽ chuyển đổi sang hình thức kinh doanh mới, hoặc sẽ tính toán lại vì lợi thế bán hàng qua Facebook đã giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, chị Trang đặt vấn đề ngay cả với những đối tượng buôn bán lớn thì việc đăng ký, kiểm soát... hiện nay vẫn đang bỏ lỏng. Vậy việc đánh thuế sẽ căn cứ trên cơ sở nào?.

Đấy chưa kể, rất nhiều nhóm kinh doanh theo kiểu hàng xách tay, hàng mua đi bán lại trao tay... thì việc kiểm soát thu thuế là không đơn giản.

"Chợ kín online”

Chủ trương thu thuế kinh doanh trên Facebook cũng đã có từ lâu, tuy nhiên tới nay cơ quan quản lý vẫn chưa ra được văn bản hướng dẫn cụ thể.

Từ cuối năm ngoái, không ít chợ kinh doanh và cá nhân trên Facebook đã chuyển sang hình thức mới. Thay vì buôn bán công khai trên Facebook, họ chuyển sang chế độ nhóm kín hoặc trao đổi qua tin nhắn. Nhằm tránh việc cơ quan chức năng kiểm tra theo dõi.

Chị Nguyễn Thị Nga cho hay, một số nhóm buôn bán trên mạng đã thay đổi cơ chế. Mới đây, nhóm các bà mẹ bỉm sữa buôn bán thêm của chị đã rà soát lại các thành viên và chuyển sang chế độ nhóm kín.

Hay như cộng đồng buôn bán của cư dân, nơi chị Nga sinh sống, nếu muốn tham gia yêu cầu phải có thông tin cụ thể của chủ căn hộ, số điện thoại xác minh,...

Thừa nhận về điều này, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện cao cấp của fFcebook tại Việt Nam, cho biết những triệu phú đôla thành công từ kinh doanh trên mạng xã hội, khi được hỏi đều không muốn chia sẻ bởi chính những “rào cản” từ các cơ chế chính sách chưa rõ ràng.

“Tôi đã từng gặp một anh chàng 19 tuổi hoạt động rất sôi nổi trên Facebook. Cậu ta cho hay hiện thu nhập giảm hơn trước nhưng cũng được khoảng 100.000 USD/tháng. Tuy nhiên, cậu ấy lại không muốn công khai thu nhập, không phải bởi ngại nộp thuế mà lại sợ mỗi tuần sẽ có 'vài người tới nhà hỏi thăm', ông Tước cho biết.

Theo vị đại diện cao cấp của Facebook tại Việt Nam, thống kê của Facebook cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 50 triệu phú đôla với tuổi đời còn rất trẻ từ 19-24 tuổi.

Các thành viên Facebook cũng như giới chuyên gia nhìn nhận, việc đánh thuế kinh doanh trên mạng xã hội sắp tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các đối tượng tham gia, và ngay cả cơ quan chức năng cũng sẽ gặp rối.

Điều này đang khiến cộng đồng người kinh doanh online cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý kinh doanh thì đây là việc cần phải làm không chỉ để tăng thu ngân sách mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mô hình kinh doanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại