Kinh doanh không hiệu quả như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam

Hữu Bật |

Khoản lãi hơn 1.600 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2022 cho thấy Vinacomin vẫn chưa thể khai thác hiệu quả khối tài sản trong tay lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Kinh doanh không hiệu quả như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Ảnh 1.

Dù nắm trong tay khối tài sản lên đến hơn 5 tỷ USD, song hiệu quả kinh doanh của Vinacomin lại chưa tốt. Ảnh: TKV.

Khoản nợ hơn 3 tỷ USD của Vinacomin

Tính đến ngày 30/6/2022, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ghi nhận khoản nợ phải trả 74.471 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 44.433 đồng, nợ dài hạn gần 30.038 tỷ đồng.

Bóc tách các con số, có thể thấy 2 khoản nợ lớn nhất của Vinacomin là phải trả người bán ngắn hạn 10.137 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 11.803 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 26.266 tỷ đồng.

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu Vinacomin tại ngày cuối của BCTC 6 tháng 2022 là 45.615 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu là từ vốn góp của chủ sở hữu 35.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản Vinacomin tại thời điểm ngày 30/6/2022 đạt hơn 120.086 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 0,4% so với số đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn gần 48.076 tỷ đồng, tài sản dài hạn hơn 72.010 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Vinacomin lên đến 22.378 tỷ đồng, tăng 28% so với số đầu năm, trong đó chủ yếu là thành phẩm 11.489 tỷ đồng, nguyên vật liệu 2.541 tỷ đồng, chi phi sản xuất kinh doanh dở dang hơn 4.367 tỷ đồng, hàng hóa 2.415 tỷ đồng….

Bên cạnh đó, Vinacomin còn có khoản phải thu ngắn hạn lên đến gần 10.141 tỷ đồng, trong đó những “con nợ” lớn là Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 2.934 tỷ đồng; Công ty TNHH Điện lực AES – TKV Mông Dương 956,2 tỷ đồng; Công ty Nhiệt điện Mông Dương 657,7 tỷ đồng; và CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội gần 416 tỷ đồng….

Dù nợ lên đến hơn 3 tỷ USD, song thực tế hệ số nợ/vốn chủ sở hữu Vinacomin chỉ là hơn 1,6 lần. Con số này về mặt lý thuyết là không đến mức quá rủi ro.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, có thể thấy tỷ số thanh toán nhanh Vinacomin chỉ gần 0,58 lần; trong khi tỷ số tiền mặt (chỉ số thường được các tổ chức tín dụng với các khoản vay ngắn hạn quan tâm) của Vinacomin chỉ là hơn 0,16 lần.

Kinh doanh không hiệu quả

BCTC hợp nhất 6 tháng năm 2022 của Vinacomin ghi nhận doanh thu thuần công ty đạt 68.815 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tăng cao là vậy, song các chi phí trong kỳ của Vinacomin cũng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp 2.677 tỷ đồng (+4,56%), chi phí bán hàng 2.308 tỷ đồng (+21,1%) và chi phí tài chính 1.692 tỷ đồng (+11,6%).

Bóc tách số liệu chi phí tài chính cho thấy Vinacomin phải chi đến 1.178,4 tỷ đồng trả lãi vay (trong đó 238,2 tỷ đồng lãi tiền vay ngắn hạn; 940,2 tỷ đồng trả lãi vay trung dài hạn). Tính ra, Vinacomin phải trả hơn 6,4 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày.

Với gánh nặng chi phí như trên, lãi Vinacomin 6 tháng năm 2022 chỉ tăng nhẹ 3,5% đạt 1.647 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vinacomin đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm là 131.600 tỷ đồng; lợi nhuận 3.500 tỷ đồng. Như vậy, Vinacomin đã hoàn thành lần lượt 52,3% chỉ tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lãi cả năm.

Tuy Vinacomin lãi hàng nghìn tỷ là vậy, nhưng cần nhấn mạnh rằng những con số này là cho thấy tập đoàn chưa khai thác hiệu quả khối tài sản lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Tính ra, ROA và ROE của Vinacomin chỉ đạt lần lượt 1,37% và 3,61%. Đồng nghĩa, xét trên phương diện kế toán, mỗi đồng tài sản/vốn chủ sở hữu chỉ tạo ra 1,37 đồng và 3,61 đồng lợi nhuận.

Dữ liệu tổng hợp giai đoạn 2018 – 6 tháng 2022 cho thấy ROA và ROE Vinacomin đã có xu hướng suy giảm.

Một chỉ số khác là ROS (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu) của Vinacomin 6 tháng 2022 đạt 2,39%. Tính trong cả giai đoạn kể trên, ROS tập đoàn luôn ở mức khá thấp dao động từ 2,33% - 3,86%.

Kinh doanh không hiệu quả như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Ảnh 2.
Kinh doanh không hiệu quả như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Ảnh 3.

Đầu tháng 2 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Vinacomin.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, công ty mẹ Vinacomin còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả, như đầu tư vào CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, CTCP Sắt Thạch Khê....

Ngoài ra Kiểm toán Nhà nước cho rằng còn tình trạng quản lý chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng tại 31/12/2021. Tổng giá trị nợ phải thu khó đòi cuối 2021 của Vinacomin là hơn 279,1 tỷ đồng, trích dự phòng nợ phải thu là hơn 238,2 tỷ đồng. Vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị.

BCTC 6 tháng năm 2022 ghi nhận tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 30/6/2022 của Vinacomin là hơn 270,8 tỷ đồng, trong đó chỉ 7,3 tỷ đồng là khoản nợ khó đòi ngắn hạn 6-12 tháng, còn lại nợ khó đòi từ 1-3 năm là hơn 68 tỷ đồng, khoản nợ khó đòi trên 3 năm là hơn 194 tỷ đồng.

Vinacomin cho biết trích dự phòng nợ phải thu là gần 233,2 tỷ đồng. Trong số nợ này, Vinacomin dự kiến thu hồi 37,6 tỷ đồng.

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định tại Kiểm toán Nhà nước khẳng định, TKV còn có các trường hợp công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang; một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng/không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Nhiều lãnh đạo Vinacomin bị kỷ luật

Tại kỳ họp ngày 20-22/6/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. 3 người bị cảnh cáo gồm ông Lê Minh Chuẩn (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên); Đặng Thanh Hải (Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc); Nguyễn Ngọc Cơ (Phó tổng giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn); ông Phan Xuân Thủy, Đảng ủy viên, Phó tổng giám đốc TKV, bị khiển trách.

Ngày 14/2 vừa qua, ông Lê Minh Chuẩn đã được chấp thuận nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/3/2023. Trước đó, hồi cuối tháng 12/2022, Thủ tướng đã đồng ý để ông Lê Minh Chuẩn từ chức chủ tịch HĐTV Vinacomin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại