Dù các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường nhưng tình trạng buôn bán tại nhiều chợ truyền thống ở Nghệ An vẫn ế ẩm khiến tiểu thương chán nản. Nhiều tiểu thương treo biển bán, cho thuê, sang nhượng ki-ốt.
Khu vực bày bán trang sức, túi xách, làm đẹp ở tầng 1 có nhiều ki-ốt ngừng hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Hoa (tiểu thương quần áo tại chợ Vinh, TP Vinh) cho biết, tình trạng tiểu thương đóng ki-ốt, tạm ngừng kinh doanh nhiều. Trong đó, có nhiều tiểu thương treo biển bán, cho thuê ki-ốt, quán.
“Lượng khách chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Không mở quầy thì lo hàng tồn đọng, ẩm mốc. Mở thì không bán được, tốn thêm tiền điện, tiền thuế. Chúng tôi cũng chưa dám lấy hàng mới về nhiều, vì cả ngày có khi không có khách vào hỏi mua”, chị Hoa than thở.
Vắng khách, một nhóm tiểu thương ở chợ Vinh ngồi tám chuyện
Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho biết, chợ Vinh có trên 3.000 ki-ốt. Từ thời điểm sau dịch đến nay, các tiểu thương bỏ chợ, sang nhượng quầy ki-ốt rất nhiều. Cụ thể, ở khu đình chính với hơn 1.000 ki-ốt nhưng đến nay đã giảm đến 10-15%. Còn khu đình Tây bán các mặt hàng như gạo, thịt, mắm, muối… nay tiểu thương cũng bỏ chợ đến 70-80%.
“Nguyên nhân khiến tiểu thương bỏ sạp là do dịch COVID-19 khiến các hộ chuyển hướng kinh doanh tại nhà, bán hàng online… nhiều. Ngoài ra, hệ thống siêu thị ngày càng nhiều khiến tiểu thương ở chợ còn khó cạnh tranh về sự tiện lợi, giá cả”, ông Tú chia sẻ.
Tương tự, tại chợ Ga, Quán Lau, Phong Toàn… cũng chung tình trạng các quầy hàng đóng cửa, chưa hẹn ngày trở lại. Những thông báo cho thuê hay sang sạp được treo đầy trong chợ nhưng không có ai đoái hoài.
Nhiều quầy trong tình trạng cửa đóng then cài
Kinh doanh tại chợ Ga Vinh gần 10 năm nay, bà Ngô Thị Duyên cho biết, phần lớn khách mua vải với số lượng lớn là khách huyện. Do lượng khách quá ít nên sức mua giảm đến 70-80%. “Mỗi ngày tôi chỉ bán được vài trăm nghìn, trừ chi phí, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, thậm chí có lúc lỗ”, bà Duyên nói.
Các gian hàng phủ bụi, không một bóng người.
Nghệ An hiện có 405 chợ truyền thống. Năm 2023, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên thị trường trầm lắng, sức mua giảm mạnh. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều chợ trên địa bàn tỉnh.