Từng bị dè bỉu là “điên”
Toong, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh không gian làm việc chung (co-working space) bao gồm chuỗi văn phòng chia sẻ không gian làm việc cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Anh Đỗ Sơn Dương, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Toong cho biết: “Khi chúng tôi mở văn phòng đầu tiên ở Hà Nội, đối tác nghi ngờ, công khai chế giễu, chủ đầu tư nhíu mày. Vào thời điểm năm 2015, hầu như không ai nghĩ mô hình không gian làm việc chung là thiết thực ở Việt Nam”.
Các nhà đầu tư từ chối, tựu trung đều nhấn mạnh vào điểm yếu trong làm việc nhóm của người Việt. Giờ giấc, phong cách làm việc của từng nhóm người khác nhau khi “quây” vào cùng một không gian cũng là một vấn đề.
Chưa kể tâm lý sĩ diện của người Việt khi gặp (tiếp đối tác) trong một không gian gần như công cộng.
Đỗ Sơn Dương kể khi đề xuất thành lập Toong nhiều người đã chế giễu, không tin tưởng
Bất chấp những phản đối, Toong được mở đầu tiên ở Tràng Thi chỉ với quy mô 750m2. Sau 7 tháng hoạt động, Toong đã thu hút được 1 triệu USD đầu tư từ một quỹ mạo hiểm. Đến nay, Toong có 10 địa điểm tại bốn thành phố lớn, trong đó có cả ở Lào, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” trong mắt nhiều nhà đầu tư lớn.
Trong số các công ty startup Việt, Dobody cũng là một câu chuyện “thần kỳ”. Anh Phan Bá Mạnh nghĩ ra Dobody trong chuyến thiện nguyện giúp đồng bào Rục ở Quảng Bình sau cơn bão năm 2014.
Anh kể: Ở đây, người dân khó khăn thiếu thốn đủ thứ, trong khi ở thành phố, hàng xóm muốn vứt đồ thừa là bộ salon cũng phải lén lút để công nhân vệ sinh khỏi “mắng”.
Lúc đó tôi nghĩ: tại sao không tận dụng đồ bỏ đi, trong khi biết đâu đấy ở tầng dưới của khu chưng cư có nhà đang cần bộ salon ấy?
Ý tưởng về một ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet thành hình. Dobody được hoàn thiện với 4 chức năng cơ bản: Bán đồ thừa, Tìm đồ thiếu, Đổi đồ giao lưu và Làm từ thiện.
Giai đoạn đầu, không ai tin Dobody thành công. Bản thân anh Mạnh phải lấy kinh phí từ một chương trình khác của mình để trang trải. Dobody hiện nay đã thu hút thành công vốn của ba nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, doanh nghiệp này còn hoàn tất thủ tục đăng ký mở chi nhánh tại Singapore.
Tài sản trí tuệ
Trần Phan Thanh Thảo (Cathy Thảo Trần) người sáng lập ra ứng dụng tìm phòng trọ Ohana đã từng bị thất bại 64 lần trước đó. Từ năm 16 tuổi, Thảo bắt đầu xa gia đình du học. Cho đến khi tốt nghiệp đại học, cô đã sống ở 7 thành phố khác nhau và thấu hiểu nỗi khổ của việc không tìm được nhà trọ ưng ý.
Ứng dụng Ohana của Thảo mặc dù được đánh giá là ý tưởng tốt nhưng có nhiều lỗ hổng. Nhà đầu tư thậm chí còn khẳng định dự án sẽ thất bại nhưng vẫn đồng ý góp vốn vì đánh giá cao người sáng lập.
CV mà Thảo đem ra thuyết phục người khác bao gồm: kinh nghiệm dạy Văn, kèm sinh viên trong trường học tại Mỹ viết luận án. Cùng bạn thực hiện chương trình “ve chai” - thu mua sách giáo khoa cũ rồi bán lại giá cao cho sinh viên trong kỳ nghỉ hè.
Lập công ty phần mềm giới thiệu kỹ sư phần mềm người Việt có trình độ cao cho những doanh nghiệp Mỹ... Sau thành công của Thảo, giới startup Việt như được mở ra một ngoại lệ khác: chính giá trị bản thân cũng có thể biến thành “tài sản” để gọi vốn.
Những người sáng lập của Umbala cũng đã thuyết phục được hai nhà đầu tư lớn góp vốn tổng cộng 260.000 USD vì có một đội ngũ “toàn tinh anh”. Nhà đầu tư Trần Anh Vương (CEO Sam Holdings) cho biết: Umbala gây ấn tượng với ông ở đội ngũ gồm nhiều người tài năng và nổi tiếng.
Cho nên, mặc dù đánh giá “đây là thương vụ rất mạo hiểm, có thể mất hết” nhưng ông Vương vẫn đầu tư 150.000 USD bởi vì “tin vào năng lượng của các bạn. Nhìn vào đội ngũ của họ tôi thấy rất “ok”.
Umbala là một ứng dụng quay video, livestream sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo giúp người mê ca hát có thể tăng thu nhập và tìm kiếm thêm người hâm mộ. Sự khác biệt lớn nhất của Umbala với những ứng dụng video trực tiếp khác là nó tạo ra các đấu trường để mọi người thi đấu trực tiếp với nhau. Trong đấu trường ấy, khán giả có thể bình chọn trực tiếp.
Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập Umbala kể: Trong quá trình triển khai ý tưởng, anh đã thay đổi tới 20 lần trong vòng chưa tới hai năm, và phiên bản sau luôn khác biệt gần 30% so với phiên bản trước.
Sản phẩm “bé tí” nhưng vẫn ăn khách vì độc đáo
Trường hợp của DôTA là một ví dụ về sự thành công từ xuất phát điểm “bé tí”. Anh Quốc Việt, người đồng sáng lập thương hiệu này giải thích: “Thị trường Việt Nam có 45 triệu xe máy và tiếp tục tăng thêm 3 triệu xe/năm.
Trong khi đó, phần lớn nhà ở phải xây cao nền so với mặt đường phòng khi mưa ngập. Từ thực tế đó, DôTA ra đời với tham vọng cung cấp cầu dắt xe thông minh, có thể gấp gọn, trọng lượng nhẹ và mang tính thẩm mỹ cao”.
Hiện họ đã có nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn, ngoài ra, họ còn được một doanh nghiệp cam kết hỗ trợ sản xuất và quản lý hàng tồn kho để làm tài sản đảm bảo.
Người sáng lập Umbala (ngoài cùng bên phải) thuyết phục được các nhà đầu tư bằng ý tưởng táo bạo không giống ai
JupViec của Phan Hồng Minh cũng đi theo xu hướng này. Xuất phát điểm của nó là một dịch vụ kết nối giữa khách hàng và người giúp việc. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Minh chỉ có năm nhân viên là sinh viên làm thuê bán thời gian.
Vào dịp Tết, khách hàng yêu cầu dịch vụ dọn nhà, bản thân anh cũng phải xách đồ đến để dọn vệ sinh, lau chùi nhà cho khách. Khi kinh doanh thua lỗ, anh phải bán ô tô, đi xe bus để lấy tiền trang trải.
Từ kinh nghiệm thực tế của chính bản thân, Phan Hồng Minh cải thiện các tính năng của JupViec. Với hầu hết người giúp việc là thanh niên. JupViec nhanh chóng mở rộng thị phần và được chào đón rộng rãi.
Sau đó không lâu, công ty nhận được dòng vốn đầu tiên từ quỹ đầu tư CyberAgent Ventures của Nhật Bản… Đánh giá cao tiềm năng của JupViec, đại diện CyberAgent Ventures Inc. tại Việt Nam còn bày tỏ tham vọng mở rộng mạng lưới sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.