Chúng ta hẳn chẳng còn ai cảm thấy quá xa lạ với từ "kim chi" bởi đây là món ăn đặc trưng đã làm nên bản sắc của đất nước Hàn Quốc.
Thậm chí ngày nay thay vì gọi thẳng tên nước bạn thì nhiều người còn chọn gọi họ theo biệt danh là "xứ sở kim chi" một cách thân thiện nữa cơ. Vậy mới thấy, với người Hàn Quốc, kim chi có ý nghĩa đặc trưng đến như thế nào.
Tuy nhiên, cũng trong đời sống của người dân nước này thì từ "kim chi" nếu dùng theo tiếng lóng thì nó lại không được hay ho cho lắm. Thuật ngữ "kimchi woman" lại là cách để ám chỉ một bộ phận phụ nữ hám của cải, vật chất và thích dựa dẫm vào đàn ông.
Thật bất ngờ đúng không, nhưng đó chính xác là những gì người dân xứ củ sâm đang làm với tên gọi của món ăn dân tộc đấy.
Kimchi woman là cách mà cư dân mạng Hàn Quốc ám chỉ các cô nàng coi trọng vật chất.
Kimchi woman cụ thể là như thế nào?
Cụm từ này nghe ra thì có vẻ dễ thương, nhưng nội hàm ý nghĩa của nó lại có phần khiếm nhã. Ngày nay có rất nhiều đàn ông dùng từ này để chỉ trích phụ nữ trên internet. Dù cụm từ này nếu xét về tinh thần nhân văn và trọng cái đẹp cũng gây tranh cãi khá nhiều.
Với người Hàn, "kimchi woman" là những cô gái hoặc phụ nữ có các đặc điểm nhận dạng như sau:
- Luôn nghĩ rằng đàn ông nên là người trả tiền cho tất cả mọi thứ khi hẹn hò;
- Luôn nghĩ rằng đàn ông phải là người bỏ tiền mua nhà khi kết hôn;
- Chỉ thích đi chơi với những người đàn ông có đủ điều kiện mua cho họ quà đắt tiền và đi xế hộp hạng sang;
- Thích hẹn hò đàn ông ngoại quốc;
- Thích trang điểm kỹ càng và phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lúc nào cũng là ra vẻ mình đẹp tự nhiên;
- Thích ra ngoài đường và xách trên tay chiếc túi hàng hiệu;
- Không thích nghe đàn ông kể lể về việc nhập ngũ của họ
…
Các cô nàng kimchi luôn cho mình là trung tâm và đàn ông phải có nghĩa vụ phục tùng họ.
Còn đây là cách các cô ấy khoe của, đặt chiếc vé xem phim cạnh túi hàng hiệu và khoe trên mạng xã hội.
Ban đầu, thuật ngữ "kimchi woman" chỉ được sử dụng nhiều trên mạng xã hội và các website không chính thống và trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa chính các chị em phụ nữ với nhau. Những cô gái bị gắn cái mác không mong muốn này thường tỏ ra khá bất mãn và không đồng tình.
Nhưng qua thời gian, mặc dù chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ phụ nữ có các đặc tính như đã nêu ở trên nhưng cụm từ "kimchi woman" vẫn tiếp tục được dùng một cách dễ dãi hơn.
Thậm chí kể cả một phụ nữ chỉ hơi có tính cách giống "kimchi woman" thôi nhưng vẫn bị gán ghép không thương tiếc.
Sự thật có phải "kimchi woman" là những nàng đào mỏ?
Phụ nữ Hàn Quốc vốn rất nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà còn trên khắp thế giới về những bí quyết làm đẹp. Họ khiến hàng triệu triệu người phải ngưỡng mộ vì làn da trắng sứ mịn màng và vóc dáng cao ráo, thanh mảnh.
Đặc biệt, mẫu phụ nữ truyền thống lo lắng cho chồng con bằng cách nghỉ làm, một mình đảm nhiệm công việc nhà cũng đã được khái quát trong rất nhiều bộ phim.
Nhưng còn "kimchi woman", ở ngoài đời có thực sự có nhiều hay không? Câu hỏi này quả thực hơi khó trả lời bởi vì chẳng ai có thể thống kê được lối sống của thiểu số mà chỉ khái quát được đa số thôi.
Tuy nhiên, sự tồn tại và phổ biến của thuật ngữ này đã chứng tỏ, trong xã hội Hàn Quốc phải tồn tại những cô gái như vậy.
Giới trẻ bây giờ nhiều người có tính cách "kimchi" hơn ngày trước.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Đại học Ulsan, Hàn Quốc thì trong vòng 10 năm trở lại đây, phụ nữ Hàn Quốc có lối sống Tây hóa rất mạnh mẽ. Điều này được thể hiện ở việc họ thay đổi tư duy mua sắm đồ đạc và ăn uống.
Theo đó, phụ nữ Hàn sính hàng hiệu nước ngoài hơn, ăn nhiều đồ ăn Tây hơn, kết hôn muộn hơn và sinh ít con hơn.
Những lối sống mới đó được cho là cứ len lỏi dần trong tiềm thức của các cô gái mới lớn rồi khi chúng lớn lên sẽ không thể có khuôn mẫu như của bà, của mẹ, những phụ nữ Hàn truyền thống như trước kia được nữa.
Điều này là tất yếu thôi, chỉ có điều một bộ phận các cô gái trẻ lại đang thể hiện hơi tiêu cực một chút.
Cứ phẫu thuật, cứ xài hàng hiệu nhưng đừng tỏ vẻ này kia
Phải nói rằng, rất khó để bắt gặp một cô gái với gương mặt thuần tự nhiên trên đường phố Hàn Quốc. Tại sao ư? Bởi vì ngay từ cấp 3, các nữ sinh đã được nhen nhóm tư tưởng thay đổi diện mạo bằng việc cố gắng tốt nghiệp và nhận từ tay bố mẹ tấm phiếu phẫu thuật thẩm mỹ rồi.
Bên cạnh đó, việc lối sống Tây hóa xâm nhập cũng là điều kiện để các cô gái vốn đã sẵn có tính cách "thực tế" phát huy hết tham vọng của mình. Họ sẽ nghĩ rằng minh đẹp thì mình có quyền và đòi hỏi nhiều hơn ở đàn ông trong khi bản thân lại không mấy cố gắng.
Tất nhiên không phải tất cả giới trẻ đều như vậy, nhưng "không có lửa thì làm sao có khói", không có những cô gái sống như thế thì sao đàn ông phải đặt biệt danh "kimchi woman" làm gì.
Vì lẽ đó, mong muốn của cánh mày râu khi nghĩ ra thứ ngôn từ đặc biệt này là các cô gái đừng tỏ ra là mình quá thuần tự nhiên nữa mà hãy bung tỏa như hàng triệu người ngoài kia đi.
Các cô cũng đừng nghĩ rằng đàn ông làm ra tiền dễ dàng để có thể dựa dẫm vào mà hãy độc lập hơn một chút để cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái.
Các cô cứ phẫu thuật thẩm mỹ và công khai đi chứ đừng nói là mình đẹp tự nhiên, nghe không hợp lý chút nào.
Thuật ngữ này chỉ thể hiện một phần rất nhỏ số phụ nữ mà đàn ông Hàn Quốc nhận xét có chút "kimchi" trên mạng xã hội.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là ý kiến mang tính chất cục bộ của một nhóm người và cũng không phải ác ý gì cả, mà đơn giản họ chị muốn phản ánh một lối sống của một bộ phận các nàng hiện đại trong xã hội mà thôi.
Nguồn: Storify, Koreanary