Kim Tử Long: Có những khán giả muốn gần tôi, chiếm trọn thân xác tôi!

Bông Hoa |

Là nghệ sĩ gạo cội trong làng cải lương, NSƯT Kim Tử Long không ngại thay đổi để hợp thời.

Chập chững vào nghề

Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Ba làm về đông y, mẹ chỉ làm nội trợ cho gia đình. Ba là người Bắc, mẹ là người Nam. Khi tôi 5, 6 tuổi đã biết hát nghêu ngao các bài hát trên tivi, bắt chước giống lắm rồi.

Nhà gần với nhà NSƯT Minh Vương, tôi hay qua chơi với thằng Tám Đen, em trai chú Minh Vương thì có nghe chú hát, tự nhiên nhiễm hồi nào không hay. Tôi hát tân nhạc còn thằng Tám Đen lại hát ca cổ, hai đứa dạy qua dạy lại cho nhau rồi tôi bị nhiễm cái giọng của nó.

Từ đó, tôi thích luôn vọng cổ, đi đâu cũng ca nghêu ngao mà không có nhịp nhàng gì hết trơn. Ở phường xã có lập đoàn cải lương, đó là những năm đoàn cải lương thịnh hành lắm, đoàn nhỏ xíu hát cũng đông, đoàn dở hát cũng đông. Tôi và Tám Đen theo đoàn đi hát.

Con nít mà, đi hát được khán giả thương lắm, cho kẹo cho bánh này kia thì sướng lắm. Mấy chú trong đoàn cũng cho tiền, dù chỉ đủ để ăn quà vặt thôi nhưng cũng khoái lắm rồi.

Bình thường tôi chỉ hát tân nhạc thôi, còn Tám Đen diễn vai Tiểu Đồng trong Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Có bữa, thằng Tám Đen bị bệnh, ông bầu đưa tôi lên thế dù tôi không biết nhịp nhàng gì cả. Đó là lần đầu tiên tôi bắt đầu được lên sân khấu để hát một vai trong vở cải lương.

Kể từ đó, cuộc đời của tôi thay đổi. Sau khi tôi hát, trong đoàn ai cũng khen tôi thông minh, lanh và sáng sân khấu. Những lời khen khiến tôi có sự thay đổi, không thích hát tân nhạc nữa mà chuyển sang vọng cổ.

Năm đó mới 8 tuổi thôi nhưng tôi đã có ý thức muốn theo nghề thì đi học. Không có tiền, không dám xin ba mẹ tại vì đi hát cũng là tôi lẻn đi chứ nhà không cho.

Hai năm sau, tôi đánh liều sang nhà thầy Út Trong xin học. Thầy nhận nhưng tiền học không có, tôi tích cóp tiền ăn sáng lại để đóng cho thầy. Tôi học được một năm thì bị ba phát hiện.

Trường báo về là tôi cứ nghỉ học hoài. Ba hay tin thì khuyên tôi phải đi học văn hóa đàng hoàng, không đồng ý với tôi về việc ca hát vì sợ không có tương lai.

Kim Tử Long: Có những khán giả muốn gần tôi, chiếm trọn thân xác tôi! - Ảnh 1.

Đến năm tôi 13 tuổi, một hôm ba vợ của nghệ sĩ Minh Cảnh qua nhà chơi, dẫn thêm đứa con gái của nghệ sĩ Minh Cảnh. Qua nhà, con bé đứng ca thiệt hay, từ đằng sau tôi chạy lên xin ca một đoạn. Vậy là tôi đứng hát, ổng đờn.

Ba nghe tôi hát thì ngạc nhiên vô cùng rồi đổi suy nghĩ. Sau đó ba đăng ký cho tôi thi ở nhà hát Trần Hữu Trang. Để thi vào nhà hát phải trải qua ba vòng thi còn tôi thì không muốn vào vì đi học phải mất 3,4 năm trong trường, không được đi ra ngoài hát.

Trong khi đó, tôi muốn đi ra ngoài, được đi hát luôn. Bao nhiêu đám tiệc kêu tôi đi hát. Đi hát vừa có tiền vừa được người ta khen, khoái lắm.

Đi thi cho có vậy mà tôi đậu điểm cao nhất. Cô Bảy Phùng Há đưa tôi về lớp dạy. Học hơn 3 năm, tôi ra trường và hát cho đoàn Trần Hữu Trang 3. Đến lúc nghệ sĩ Minh Phụng nghỉ đoàn Trần Hữu Trang 1, thầy Đoàn Bá qua đoàn 3 tuyển kép và tôi may mắn được chọn về thế cho Minh Phụng.

Lúc đó Minh Phụng là một tài danh, một ngôi sao nên được về thế chân ông, tôi bất ngờ lắm, chẳng nghĩ là mình được chọn vì ở đoàn Trần Hữu Trang 3, tôi hát toàn kép nhì và hài thôi.

Những ngày rực rỡ

Có nhiều thứ đến với tôi như được sắp xếp từ trước. Tự nhiên đang hát đoàn Trần Hữu Trang 1 thì đoàn Minh Tơ thiếu kép. Lúc đó Vũ Linh đang là một hiện tượng ghê gớm lắm, không có ông là không bán vé được.

Vậy mà Vũ Linh nghỉ thì người ta mời tôi về hát kép chánh luôn. Từ đó trở đi, tôi chỉ hát kép chánh, vai thứ nhì hay lắm thì người ta mới dám mời tôi.

Song, lúc đó khán giả biết đến Kim Tử Long qua những vai diễn trên sân khấu thôi, còn khán giả nước ngoài thì lạ lẫm lắm. Đùng một cái, khoảng năm 1990, khi video cải lương thịnh hành, tôi được các hãng băng mời đi quay.

Nhưng chỉ những người gạo cội mới được đóng chính như Minh Vương, Vũ Linh... tôi đóng đến kép nhì là hết rồi. Lúc đó hãng phim Kim Lợi cũng rẽ sang làm video cải lương, tôi cộng tác được 4,5 bộ gì đó thì anh Minh Vy gọi tôi lên giao vai chính.

Tôi nhận liền nhưng vẫn thắc mắc tại sao giao vai cho mình nên mới hỏi. Minh Vy kêu tôi yên tâm, làm thử vai đầu tiên coi sao. Sau khi nhận kịch bản và quay, tôi mới biết tại sao Minh Vy lại mời mình.

"Em muốn anh thế chỗ anh Vũ Linh. Thứ nhất là vì nhiều chỗ mời anh Vũ Linh quá, thứ hai là cát-xê của ảnh quá cao, em không đáp ứng được", Minh Vy nói.

Nghe vậy tôi cũng thấy hơi ngại vì thế chỗ Vũ Linh đâu phải dễ. Anh ấy là cây đại thụ như thế. Nếu thành công, tôi sẽ đứng vững, còn nếu không thì sẽ bị so sánh rồi bị chê. Nghĩ mãi thì thôi, cơ hội chỉ đến một lần, liều luôn. May mắn là thành công.

Từ đó trở đi, rất nhiều các hãng băng của nước ngoài về Việt Nam mời tôi đóng chánh. Cát-xê của tôi cũng tăng gấp 5, gấp 10. Tên tuổi được biết đến cả trong lẫn ngoài nước. Năm 1992, tôi được giải Trần Hữu Trang.

Khi Minh Vy làm Mưa bụi, tôi qua đó hát nhạc trữ tình cùng với Lam Trường, Đình Văn, Minh Thuận. Những bài như Lời cuối cho tình yêu, Tình đẹp mùa chôm chôm... thời điểm đó "hot" dễ sợ luôn.

Kim Tử Long: Có những khán giả muốn gần tôi, chiếm trọn thân xác tôi! - Ảnh 2.

Sau năm 1995 bắt đầu có bóng đá, DVD bao nhiêu là phim Mỹ hay, phim Trung Quốc hay, cải lương bắt đầu tụt. Ngày xưa một vở có thể diễn được vài trăm suất, dần dần còn 2,3 suất. Đầu tư nhiều mà không lấy lại được tiền, bầu sô buồn, diễn viên cũng buồn.

Song, thực chất cải lương xuống nhưng tên tuổi nghệ sĩ không xuống, chúng tôi chỉ không có sân khấu để diễn chung chứ chạy sô riêng vẫn đều.

Không ngại thay đổi để hợp thời

Ai cũng muốn đứng trên sân khấu để làm một kép chánh mãi mãi nhưng theo thời gian, tự nhiên thời thế thay đổi. Tôi cũng phải qua hát những vai hài, lẳng một chút hoặc dàn dựng để có thể vẫn đi theo nghề mà không bị nản lòng.

Nếu cứ khăng khăng chỉ đóng kép chánh hoặc có suy nghĩ ngày xưa mình vang bóng một thời mà giờ phải làm những chuyện này rồi không làm thì thiển cận quá.

Người ta thường nói ăn theo thuở, ở theo thời. Phải làm sao để cái tên của mình vẫn còn nằm trong lòng khán giả mới là quan trọng. Nếu khẳng định ở nhiều vai khác nhau thì khán giả sẽ nhớ mãi đến chứ không phải phân vân: "Lâu quá không thấy Kim Tử Long đi hát, hay là mất luôn rồi?".

Sân khấu là muôn màu, ngày hôm nay như thế, mai sẽ là màu khác. Không thể nói mình màu đỏ thì cứ giữ mãi màu đỏ được. Nhưng không phải ai cũng thích nghi được, đó là lý do nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời bây giờ đã bị lu mờ.

Sau bao nhiêu năm đi hát, tôi nhận ra khán giả cải lương nếu đã thương thì thương suốt đời vì họ thấy không ai bằng thần tượng của họ hết. Tôi cũng có may mắn đó.

Có một khán giả yêu tôi từ khi còn ở đoàn Sài Gòn 1. Xem xong, người ta tới và nói với tôi liền: "Sau này con sẽ là một ngôi sao" và tới giờ phút này, tôi ra sản phẩm nào, cô có cái đó. Một lần tôi qua Mỹ có đến nhà cô chơi thì được giới thiệu nguyên một căn phòng toàn băng đĩa của mình.

Vậy nên sau này làm liveshow, cần băng tư liệu, tôi chỉ cần gọi qua mượn thôi. Mọi thứ của mình họ gìn giữ như điều gì đó quý giá.

Còn có những khán giả yêu tôi bằng vai diễn rồi họ ảo tưởng tình yêu đối với tôi. Họ muốn gần tôi, chiếm trọn thân xác tôi. Gặp những trường hợp đó, tôi phải ứng xử thật khéo để người ta không bị mất lòng.

Hoặc khán giả thương quá, gặp mình là bay vào ngắt nhéo, mình cũng phải chịu trận thôi. Đối với nghệ sĩ, đó là tình cảm ấm áp nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại