Suốt thời gian qua giá sắn tại thị trường tỉnh Tây Ninh diễn biến tốt, giá thu mua sắn tại nhà máy là 3.400 đ/kg, loại 30 chữ bột. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và duy trì nhiều tháng qua.
Nông dân trồng sắn vui mừng với giá bán cao
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trước đây chỉ có một vụ sắn/năm khai thác vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để đạt chữ bột sắn tốt nhất có thể, nhưng nay nông dân trồng sắn quanh năm.
Do vậy, chữ sắn cao hay thấp tùy thuộc vào việc chăm sóc của nông dân và thời vụ, mùa khô thường có chữ sắn cao, mùa mưa có nước cây sắn sẽ phát triển lá nên kéo giảm chữ sắn, vào mùa này sắn chỉ đạt khoảng 28 chữ bột, mất khoảng 20 - 30% chữ bột.
Đối với nông dân giá sắn tươi như hiện nay là rất tốt nếu tính trung bình năng suất mỗi hecta sắn đạt khoảng 35 tấn/hecta, giá bán bình quân 3.000 đ/kg nông dân sẽ thu được trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có thể lãi khoảng 70 triệu/hecta/vụ sắn.
Năm 2020, diện tích sắn của tỉnh Tây Ninh đạt 57.150 ha, với sản lượng 1,857,399 tấn, năng suất bình thường đạt 32,5 tấn/ha. Ước khối lượng sắn đưa vào chế biến năm 2020 khoảng 3.725.376 tấn, tăng 3,52% so với cùng kỳ, sản xuất được 931.318 tấn bột. Vụ Đông xuân 2020 – 2021 diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đạt 33.340 ha, hiện nay cây sắn đang trong giai đoạn 6-7 tháng.
Hiện Tây Ninh có khoảng 65 nhà máy chế biến tinh bột khoai sắn, tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm (trong đó có 10 nhà máy chế biến sâu), nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng 50%.
Trong 5 năm nay công suất chế biến của các nhà máy lúc nào cũng vượt nguồn cung nên thường chỉ hoạt động từ 6 - 8 tháng /năm, nhưng sau này nhờ nguồn sắn từ Campuchia và tỉnh lân cận về đã đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy.
Sắn là ngành nhập thô xuất tinh và đem lại ngoại tệ nhờ lực lượng các nhà máy chế biến hùng hậu. Các sản phẩm chế biến sau tinh bột sắn của các Nhà máy trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bột biến tính (loại biến tính), Mạch Nha, Đường Fructo...
Hiện các nhà máy chế biến tinh bột vẫn hoạt động đều đặn do các doanh nghiệp tăng đầu tư nên lượng tinh bột sắn chế biến xuất khẩu tại địa phương không thay đổi cho dù chi phí có tăng lên nhưng hàm lượng không giảm. Thời gian gần đây do diễn biến dịch Covid-19 ở Campuchia phức tạp biên giới được thắt chặt kiểm soát nên lượng sắn nhập khẩu có giảm so với trước.
Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay giá sắn nguyên liệu luôn ở mức cao, riêng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai thu mua sắn của dân với giá 3.100 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.
Sắn được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 13.000 ha, tập trung ở vùng Đông, Đông Nam của tỉnh. Giá sắn vụ này tăng cao nhưng nhiều nông dân không được hưởng lợi do sắn bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 16.000 ha diện tích trồng cây sắn, với sản lượng đạt hơn 311.000 tấn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, vụ sắn năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 14.200 ha sắn, nhưng đã có hơn 2.400 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tập trung tại các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi và Bình Sơn.
Huyện Sơn Hà là địa phương có diện tích sắn bị nhiễm nhiều nhất với khoảng 2.000 ha. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát bệnh khảm lá sắn.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn chủ lực
Nguồn sắn lát thu mua nhập kho niên vụ 2020 - 2021 của Việt Nam khá thấp. Trong khi đó, giá tinh bột sắn và giá ngô tăng mạnh nên nhiều nhà máy Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền, và tăng mua từ Việt Nam nên giá sắn nội địa sẽ tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại, vì nguồn cung tinh bột sắn giảm mạnh trước khi có sắn vụ mới 2021 - 2022.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) - Bộ NN-PTNT, trong tháng 4/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 200 nghìn tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, cộng dồn 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,2 triệu tấn và 443 triệu USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 23,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 996,42 nghìn tấn, trị giá 368,76 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 42,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 3/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 93,8% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 293,6 nghìn tấn, trị giá 108,49 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 43% về trị giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá.
Quý I/2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 949,3 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 348,61 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.