Kim loại này được dự báo sẽ chạm mức đỉnh 9 năm trong năm 2023 và có triển vọng sáng hơn vàng

Khánh Vy |

Trong năm nay, giá bạc thế giới có thể đạt mức cao nhất trong 9 năm là 30 USD/ounce và trở thành tài sản có hiệu suất tốt hơn vàng.

Các nhà phân tích cho biết việc nguồn cung bị thiếu hụt và xu hướng giao dịch tốt hơn vàng trong giai đoạn lạm phát cao là những động lực chính hỗ trợ cho triển vọng giá bạc năm 2023.

Lần cuối cùng giá bạc giao ngay chạm mức 30 USD/ounce là vào tháng 2/2013, theo dữ liệu từ Refinitiv.

“Trong lịch sử, giá bạc thường tăng gần 20% mỗi năm trong những năm lạm phát cao. Dựa vào đó và mức giá tương đối thấp của bạc so với vàng, sẽ không ngạc nhiên khi bạc hướng tới mốc 30 USD/ounce trong năm nay”, bà Janie Simpson, CEO tại công ty kinh doanh đá quý ABC Bullion, cho biết.

Giá bạc giao ngay từng đạt mức cao kỷ lục 49,45 USD/ounce vào năm 1980 khi tỷ lệ lạm phát tại Mỹ là 13,5%. Năm 1976, khi lạm phát duy trì ở mức thấp hơn là 5,7%, giá bạc chỉ tăng khoảng 4 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch gần nhất, kim loại quý này có giá khoảng 24,02 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hiện nay là 6,5%.

 Kim loại này được dự báo sẽ chạm mức đỉnh 9 năm trong năm 2023 và có triển vọng sáng hơn vàng  - Ảnh 1.

Thiếu nguồn cung bạc

Nicky Shiels, trưởng bộ phận chiến lược kim loại tại công ty đá quý MKS PAMP, cho biết: “Bạc đang bị khan hiếm, lượng dự trữ có sẵn ở New York và trung tâm London đang sụt giảm đáng kể, nhiều hơn so với vàng”.

Vị chuyên gia nói thêm rằng nguồn cung bạc dự kiến sẽ thâm hụt hơn 100 triệu ounce trong vòng 5 năm tới với nhu cầu công nghiệp là nguyên nhân thúc đẩy sự khan hiếm này.

“Lĩnh vực có nhu cầu bạc lớn nhất là công nghiệp, chiếm gần 50% tổng nhu cầu”, Nicky cho hay.

Nhu cầu đó được dự báo sẽ tăng hơn 15% trong vòng 5 năm tới, chủ yếu đến từ các lĩnh vực ô tô và thiết bị điện tử. Bạc là vật liệu thường được sử dụng trong sản xuất ô tô, tấm pin mặt trời, đồ trang sức và đồ điện tử.

Không có nguồn bổ sung

Ông Randy Smallwood, Chủ tịch của hãng tư vấn Wheaton Precious Metals, cho hay: “Chúng tôi đã đạt đỉnh mức cung bạc khoảng 5, 6 năm trước. Sản lượng bạc thực tế trên toàn thế giới lại đang đi xuống và chúng tôi không thấy lượng bạc mới được sản xuất từ các mỏ”.

Theo tổ chức thương mại The Silver Institute, nguồn cung bạc từ các mỏ vào năm 2022 là 843,2 triệu ounce, thấp hơn mức cao nhất trong thập kỷ qua là 900 triệu ounce vào năm 2016.

Bạc phần lớn được sản xuất như một sản phẩm phụ trong quá trình khai thác mỏ chì-kẽm, đồng và vàng. Và thường thì không thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng quá nhanh

“Khi giá bạc tăng lên, không có nghĩa các mỏ khai thác bạc cũng có thể nâng sản lượng, bởi những mỏ này chỉ đóng góp khoảng 25% nguồn cung”, ông Smallwood cho biết. Theo ông, thị trường thường phụ thuộc vào các mỏ khai thác chì-kẽm để thoả mãn nhu cầu bạc.

Mặc dù ông Smallwood tin rằng sẽ không có gì bất ngờ nếu bạc chạm ngưỡng 30 USD/ounce, nhưng ông lưu ý rằng giá có thể sẽ không trụ vững ở khoảng đó. Ông gợi ý rằng giá bạc sẽ ổn định trên mức 20 USD/ounce.

“Tôi rất lạc quan về triển vọng vàng, nhưng tôi thậm chí còn lạc quan về khả năng tăng giá của bạc hơn”, ông Smallwood khẳng định.

 Kim loại này được dự báo sẽ chạm mức đỉnh 9 năm trong năm 2023 và có triển vọng sáng hơn vàng  - Ảnh 2.

Những cơn gió ngược

Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế có thể dẫn đến nhu cầu bạc công nghiệp yếu đi và điều này có thể đẩy giá bạc xuống mức thấp nhất là 18 USD/ounce, theo MKS PAMP.

Janie Simpson của Pallion nói thêm rằng rủi ro lớn nhất đối với giá bạc là nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến.

“Nếu Fed tiếp tục thắt chặt chính sách và nếu lạm phát giảm nhanh hơn thị trường mong đợi, đó sẽ là những cơn gió ngược đối với bạc, đặc biệt là nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, do nhu cầu bạc bị ràng buộc rất lớn với sản lượng công nghiệp”.

Tham khảo: CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại