Ảnh minh họa
Thị trường bạch kim đang đối mặt với mức thâm hụt nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1970 đến nay. Nguyên nhân là bởi nguồn cung ở Nam Phi đang sụt giảm mạnh và nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp tại Trung Quốc đầy tiềm năng đẩy nhu cầu về kim loại này tăng vọt.
Theo Hội đồng Đầu tư bạch kim Thế giới (WPIC), nhu cầu bạch kim trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng 28% trong năm nay lên 8,2 triệu ounce sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào tích trữ. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ trong công nghiệp tăng cao và việc sử dụng kim loại này trong ngành công nghiệp ô tô cũng góp phần trầm trọng hơn mức thâm hụt.
Sản lượng suy giảm do nguồn cung cấp không ổn định từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới Nam Phi, đã buộc WPIC phải điều chỉnh lại mức thâm hụt tăng 77% so với 3 tháng trước, lên 983.000 ounce trong năm nay.
Ông Edward Sterck, Giám đốc nghiên cứu tại WPIC cho biết: “Đây sẽ là mức thâm hụt kỷ lục tính theo ounce kể từ mức kỷ lục vào những năm 1970".
Giá bạch kim đã tăng gần 20% so với thời điểm tháng 2 lên 1.080 USD/ounce và đang ở trên mức trung bình 5 năm là 940 USD/ounce.
Giá bạch kim đang tăng mạnh so với cuối tháng 3. Đồ họa: FT
Sự thâm hụt này đánh dấu một sự đảo ngược hoàn toàn từ tình trạng dư thừa nguồn cung trong 2 năm trước khi sản xuất ô tô bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Bạch kim được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác giúp giảm lượng khí thải độc hại của xe cộ, cũng như trong sợi thủy tinh cho tua-bin gió, điện tử và nhà máy hóa dầu.
Các nguồn tin trong ngành cho biết các động thái không thể đoán trước từ phía ngân hàng ở Mỹ đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm kim loại quý để tích trữ, đặc biệt là bạch kim.
WPIC tin rằng nhu cầu trong công nghiệp đối với bạch kim sẽ cao nhất trong năm nay bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó phải kể đến sự mở rộng của các nhà máy hóa chất và thủy tinh ở Trung Quốc cũng như việc tiếp tục thay thế bạch kim cho paladi trong khí thải ô tô.
Tuy nhiên các nhà dự báo khác lại không đồng ý với xu hướng tăng giá của WPIC. Trong một báo cáo triển vọng riêng được công bố vào thứ Hai, Johnson Matthey - Tập đoàn công nghệ xúc tác niêm yết ở London đã dự đoán nhu cầu tăng trưởng nhẹ hơn ở mức 20% trong năm nay. Tuy nhiên họ vẫn dự kiến mức thâm hụt khoảng 130.000 ounce.
Nguồn cung dồi dào trong những năm trước có nghĩa là các kho dự trữ đã trữ đủ 3,8 triệu ounce để đáp ứng nhu cầu, nhưng khi những nguồn cung này giảm, giá có thể sẽ tăng và trở nên biến động hơn.
Trong số sáu kim loại nhóm bạch kim, bao gồm cả palladi, rhodium và iridi, một số nhà phân tích cho rằng triển vọng của bạch kim là sáng nhất do được sử dụng làm chất xúc tác cho pin nhiên liệu hydro và chất điện phân.
Theo Bloomberg, FT