Theo các nhà khoa học, nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thu hồi được các mảnh vỡ từ một trong những hành tinh "đã chết" của hệ mặt trời.
Philippe Gillet, một nhà khoa học nghiên cứu về các hành tinh tại Viện Công nghệ Liên bang Lausanne, Thụy Sĩ và là tác giả của nghiên cứu được xuất bản trên tờ Nature Communications, cho biết:
"Chúng ta đang có trong tay mảnh vỡ của một "cựu" hành tinh đã quay quanh mặt trời trước khi hệ mặt trời ngày nay kết thúc sự hình thành của mình".
Hình ảnh hiển vi điện tử của một trong những viên kim cương được thu hồi từ thiên thạch.
Đồng nghiệp của Tiến sĩ Gillet, Farhang Nabiei đã phát hiện ra điều này khi chụp ảnh độ phân giải cao một mảnh thiên thạch đã rơi xuống sa mạc Nubian ở Sudan cách đây khoảng một thập niên.
Đá vũ trụ đó được phân loại là ureilite, một loại thiên thạch hiếm bao gồm một số khoáng chất khác nhau.
Và bên trong mảnh thiên thạch này, họ tìm thấy kim cương.
Các viên đá nano lớn hơn nhiều so với bất kỳ viên kim cương thiên thạch nào đã được tìm thấy trước đó, Tiến sĩ Gillet cho biết. Sau khi kiểm tra thêm, nhóm nghiên cứu nhận thấy các viên kim cương không phải ở dạng tinh thể trong suốt.
Chúng thủng lỗ chỗ với những khiếm khuyết nhỏ, gọi là thể vùi, làm bằng crôm, phốt phát và sắt niken sunfua.
Những khiếm khuyết này làm cho viên kim cương thật khác thường.
"Điều gì là khiếm khuyết đối với một thợ kim hoàn thì lại rất hữu ích với tôi vì nó cho tôi biết về lịch sử của viên kim cương", Tiến sĩ Gillet chia sẻ. "Nó có tính chất hóa học không giống với bất kỳ hành tinh nào trong trong hệ mặt trời ngày nay".
Hệ mặt trời của chúng ta được sinh ra từ một đám bụi. Khoảng 4,5 tỷ năm trước, các lý thuyết phổ biến cho rằng hàng chục khối đá và bụi, được gọi là các đám bụi tiền hành tinh, vây quanh mặt trời của chúng ta và va chạm với nhau như những quả bi-a vũ trụ.
Cuối cùng, các cú va chạm tạo thành các hành tinh đá mà chúng ta biết ngày nay – sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa và, tất nhiên, Trái Đất.
Mặt trăng của chúng ta được một số nhà khoa học cho rằng đã hình thành từ những mảnh vụn sau cú va chạm giữa Trái Đất và một đám bụi tiền hành tinh Theia.
Các thể vùi trong kim cương thiên thạch cho biết về một quá khứ tương tự.
Căn cứ vào kích thước và tính chất hóa học của những viên kim cương, Tiến sĩ Gillet và nhóm của ông kết luận rằng những viên kim cương hình thành dưới áp lực cường độ cao, khoảng 20 giga-pascal, gần với áp lực ở độ sâu 400 dặm dưới bề mặt Trái đất, nơi lớp phủ (quyển manti) phía trên chuyển thành lớp phủ phía dưới.
Áp lực cao như vậy chỉ có thể đạt được bên trong một thể hành tinh có kích thước nằm giữa kích thước của sao Thủy và sao Hỏa, Gillet cho biết.
Và vì tính chất hóa học của thể vùi không khớp với những gì đã biết trên các hành tinh trong hệ mặt trời ngày nay, họ cho rằng những viên kim cương đến từ một đám bụi tiền hành tinh tồn tại từ 4,54 đến 4,57 tỷ năm trước.
Đám bụi tiền hành tinh đó rất có thể đã va chạm với một hành tinh khác và vỡ vụn, trôi nổi trong vành đai tiểu hành tinh, lang thang hàng tỷ năm trước khi lao xuống Trái đất.
Adrian Brearley, một nhà khoa học nghiên cứu về trái đất tại Đại học New Mexico, không tham gia vào nghiên cứu trên, cho biết những phát hiện này rất hấp dẫn.
"Các tác giả kết hợp quan sát qua kính hiển vi điện tử cùng với nghiên cứu thực nghiệm để đưa ra lập luận rất hợp lý về một thể hành tinh lớn cho ureilite".
Theo NYTimes