Lạm phát toàn cầu tăng cao, suy giảm kinh tế tại nhiều quốc gia khiến người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng tới thu nhập. Dù vậy việc kiều hối tăng trưởng qua từng quý góp phần quan trọng vào các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng trong nước.
"Việc tăng số lượng bình quân trên mỗi cuộc tiền là một dấu hiệu tích cực cho sự tăng trưởng kiều hối cho ngân hàng chúng tôi cũng như lượng kiều hối về Việt Nam, cụ thể tăng khoảng 10%", bà Lê Kim Thủy, Giám đốc Phòng chuyển tiền nhanh - Khối Khách hàng Cá nhân ACB, cho biết.
Tính chung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, kiều hối chuyển về trong 9 tháng đạt 4,78 tỷ USD, bằng 68% so với cả năm 2021. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về trong quý 3 đã tăng 51% so với doanh số cuối quý 2.
Theo tính mùa vụ, cao điểm chuyển tiền kiều hối rơi vào dịp cuối năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Kiều hối về TP Hồ Chí Minh tăng trưởng dương theo từng tháng và đây là tốc độ tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cùng với các nguồn vốn khác sẽ góp phần hỗ trợ cho kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Theo tính mùa vụ, cao điểm chuyển tiền kiều hối thường rơi vào dịp cuối năm, cộng với việc Tết âm lịch năm nay sẽ đến sớm, nguồn kiều hối được dự báo sẽ tăng đáng kể trong quý 4.
"Lượng kiều hối chuyển về sẽ tiếp tăng trong quý 4 và khả năng sẽ đảm bảo duy trì bằng mức của năm 2021, khoảng 7 tỷ USD trong năm 2022", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết.
Để chuẩn bị mùa cao điểm kiều hối cuối năm, các ngân hàng, công ty kiều hối đã và đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ. Khi thân nhân chuyển tiền từ nước ngoài, ngay lập tức tiền sẽ vào tài khoản cá nhân trong nước, hoặc chỉ một vài phút để có thể nhận tiền tại quầy. Việc chi trả tại nhà của người nhận cũng được thực hiện trong ngày. Nhiều ngân hàng, công ty kiều hối hiện đã phát triển hàng nghìn điểm, đại lý chi trả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nhận.