Kiến nghị thuê bảo vệ chuyên nghiệp tại Bệnh viện, tránh bác sĩ bị hành hung

N.T/VOV.VN |

ĐBQH Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum nêu thực tế, có tình trạng người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, đại biểu kiến nghị cần có quy định đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra sáng nay (13/6), đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum cho rằng, việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp và cần thiết nhằm bổ sung đầy đủ cơ chế pháp lý nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành luật hiện hành.

Theo đại biểu, quá trình sửa đổi luật cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên như, tình trạng người nhà đi cùng bệnh nhân, hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, khiến không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng. Tình trạng nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để phát ngôn, tuyên truyền, quảng cáo gian dối về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh sử dụng các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh chưa được công nhận không đạt tiêu chuẩn…

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp như, quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế, có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.

Đồng thời cần có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện. Cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế, gian dối trong quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho người dân. Đại biểu nhấn mạnh, đối với những đối tượng này cần phải được xử lý rất kiên quyết, kịp thời để đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

"40 năm hành nghề chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế khủng hoảng như hiện nay"

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tròn 40 năm ông làm nghề y, nhưng chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay.

Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng… và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.

Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình. Ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp như Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật đấu thầu mua sắm, Luật tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang cho rằng, thực tiễn qua công tác phòng, chống dịch Covid 19 thời gian qua càng thấy rõ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, nhất là cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trên lĩnh vực này ở các cấp luôn làm việc rất vất vả trong các đợt dịch bùng phát. Tuy nhiên, khó khăn, vất vả là vậy song chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế lại rất thấp.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này cần có định hướng, chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật cần nhấn mạnh đến việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những vấn đề cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn trong dự án Luật./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại