Kiến nghị điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Nguyễn Hưởng - Hữu Hưng |

Theo Viện kiểm sát, trong vụ án chuyến bay giải cứu, Thứ trưởng Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay, do đó đề nghị tiếp tục điều tra trách nhiệm của ông Tuyên trong giai đoạn hai của vụ án.

Sáng 17/7, trong nội dung về quan điểm luận tội các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, đại diện Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn hai của vụ án.

Theo Viện kiểm sát (VKS), trong vụ án chuyến bay giải cứu, Thứ trưởng Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay.

Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bị cáo buộc là người nhận số tiền hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

“Bị cáo đã nhận hối lộ với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng. Do đó, hành vi của Kiên cần xử lý bằng bản án nghiêm khắc để răn đe", Viện kiểm sát nhận xét.

Viện kiểm sát cáo buộc, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công một thứ trưởng làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến triệu đồng một khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.

Quá trình xét hỏi, bị cáo Kiên khai báo quanh có về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ. Kiên cũng khẳng định tất cả mức "chi" hối lộ đều do doanh nghiệp chủ động đưa ra.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh 2.

Phiên toà xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu". Ảnh Như Ý

Hành vi phạm tội có tính chất, mức độ đặc biệt nguy hiểm

Khi công bố bản luận tội đối với 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu", đại diện Viện kiểm sát đánh giá, vụ án trên là vụ án có số bị cáo bị khởi tố công tác ở nhiều bộ, ngành, địa phương và hành vi phạm tội với tính chất, mức độ đặc biệt nguy hiểm. Thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi, hành vi nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch COVID-19 bình phát, bị dư luận xã hội lên án gay gắt.

TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử thể hiện tính nghiêm minh, kịp thời xử lý hành vi phạm tội, răn đe các bị cáo nhằm giáo dục phòng ngừa chung.

Theo VKS, trở lại thời điểm xảy ra dịch COVID-19, trước diễn biến phức tạp bùng phát tại Trung Quốc và lây nhanh trên thế giới chưa từng có trong lịch sử nhân loại… Trước tình hình dịch bệnh có thể kéo dài với những hậu quả phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay 30 người ở Vũ Hán, Trung Quốc về nước tháng 3/2020; tháng 4/2020 Chính phủ tổ chức một số chuyến bay và chỉ thu vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội.

Tiếp đó, tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn trong khi việc cách ly và chi phí rất lớn. Chính phủ thí điểm tổ chức 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ gọi là chuyến bay “combo” và giao tổ công tác 4 Bộ, 5 Bộ cùng tổ chức chuyến bay.

Kết quả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đưa hơn 200 nghìn người dân ở các nước về nước. Việc tổ chức các chuyến bay là chủ trương nhân đạo thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân cũng như tài sản.

Chủ trương đúng đắn kịp thời này cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thể hiện quyết tâm phòng chống dịch nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Các cơ quan, cán bộ ngoại giao của Việt Nam trên thế giới tích cực vận động ngoại giao để có vắc xin phòng chống dịch và làm tốt công tác bảo hộ công dân, các nhân viên y tế, công an là những người hăng hái trên tuyến đầu chống dịch bất chấp sự nguy hiểm tính mạng, sức khoẻ cá nhân vì sự an toàn của người dân thì một số bị cáo trong vụ án lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước về việc đưa công dân về nước.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh 3.

Đại diện VKS tại phiên toà xét xử. Ảnh: Như Ý

Nhũng nhiễu, gây khó khăn để trục lợi

Theo đại diện VKS, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ ngành đã lợi dụng, trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để chi phí “bôi trơn”, đưa hối lộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước làm mất đi bản chất tốt đẹp trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, phản bội lại sự cố gắng của đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Do đó việc khởi tố, truy tố và xét xử đối với các bị cáo là cần thiết đảm bảo mục đích phòng ngừa chung và răn đe giáo dục đối với các bị cáo.

Trong vụ án trên có 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số bộ, ngành và địa phương. “Trong phần thẩm vấn một số bị cáo lập lờ đánh lận cho rằng hành vi nhận tiền của mình là doanh nghiệp cảm ơn, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Do vậy cần phải nhận thức cho đúng đắn để loại bỏ "văn hoá phong bì" ra khỏi đời sống xã hội" - đại diện VKS cho biết và khẳng định hành vi nhận tiền của bị cáo là hành vi nhận hối lộ.

Các bị cáo đang làm công việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả một gia tài nhiều người mơ ước.

Vẫn theo đại diện VKS, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa, và không thể coi việc các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu, quyên góp quỹ vắc xin … nhằm phòng chống dịch.

"Một lần nữa chúng tôi khẳng định một cách mạnh mẽ rằng hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ. Thủ đoạn phạm tội của bị cáo thực hiện dưới 2 dạng đưa ra yêu cầu, thoả thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; hành vi gây khó khăn của người có thẩm quyền trong việc đề xuất thẩm định duyệt các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo “luật bất thành văn” mới được cấp phép chuyến bay..." - đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại