Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên: “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung trong Luật Nghĩa vụ quân sự yêu cầu công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đỗ vào các trường được bảo lưu kết quả nhưng phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong sau đó về tiếp tục theo học”.
Về kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự.
Sau hơn 8 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, đối với công dân: “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo” thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Mặt khác, để bảo đảm công bằng xã hội, độ tuổi phục vụ tại ngũ của các công dân thuộc diện tạm hoãn kể trên cũng được kéo dài hơn để công dân có cơ hội được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc; vì vậy, tại Điều 30 của Luật quy định “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.
Đồng thời, tại điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân: “Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó” .
Như vậy, những quy định trên của Luật đã góp phần bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được học tập, làm việc theo quy định của pháp luật; đồng thời, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nguồn công dân nhập ngũ.
Theo kiến nghị của cử tri, yêu cầu tất cả công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đỗ vào các trường được bảo lưu kết quả nhưng phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong sau đó về tiếp tục theo học trong giai đoạn hiện nay cần được nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ và thấu đáo.
Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.