Kiến nghị chuyển 2 vụ vi phạm trong cổ phần hóa sang Bộ Công an

Minh Phong |

Kiến nghị trên được Thanh tra Chính phủ đưa ra sau khi hoàn thành công tác thanh tra về cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Từ kết quả thanh tra, TTCP đã kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định 2 vụ việc liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen).

Kiến nghị chuyển 2 vụ vi phạm trong cổ phần hóa sang Bộ Công an - Ảnh 1.

Trụ sở Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) tại Hà Nội. Ảnh: SCIC

Cụ thể, vụ việc thứ nhất là vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137 m2 có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

Theo cơ quan thanh tra, Công ty Decoimex là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng công ty Coma tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lô đất 1.137 m2 tại phường 9, TP Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho doanh nghiệp này với mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp này đã tự ý thực hiện phân lô và ký hợp đồng bán chuyển nhượng 7 lô đất cho khách hàng để xây dựng nhà ở.

TTCP cho biết 7 hợp đồng chuyển nhượng đã ký từ năm 2003 - 2005, tổng giá trị hợp đồng trên 3 tỉ đồng, đã thu khoảng 1,5 tỉ đồng và còn 1,567 tỉ đồng chưa thu. Việc này chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Ngoài ra, TTCP còn phát hiện tại diện tích đất 18.960 m2, Công ty Decoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất. Hầu hết các hợp đồng góp vốn đã được ký từ năm 2009 - 2012, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quá trình thanh tra phát hiện Decoimex đã thu của khách hàng trên 144 tỉ đồng, tổng số chi phí cho cơ sở hạ tầng là 50,8 tỉ đồng. Chênh lệch tiền thu chi còn lại (tạm tính) trên 93 tỉ đồng và đến thời điểm thanh tra một số lô biệt thự đã được khách hàng hoàn thiện để ở.

Vụ việc thứ hai là vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự 2015.

Theo kết luận thanh tra, giữa năm 2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị thoái toàn bộ vốn của tổng công ty tại Viwaseen Huế. Đến tháng 9-2014, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý và Tổng công ty Viwaseen đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của tổng công ty tại Viwaseen Huế.

Cơ quan thanh tra cho rằng quyết định của Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Viwaseen trong giai đoạn 2013 - 2015 thì tổng công ty phải tiếp tục nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên tại 5 đơn vị, trong đó có Viwaseen Huế.

Việc Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý cho Tổng công ty Viwaseen thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Quyết định số 652/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng công ty Viwaseen, Công ty Viwaseen Huế được niêm yết cổ phiếu lần đầu năm 2010 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2011 - 2013), nên cổ phiếu của Viwaseen Huế bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX kể từ ngày 23-5-2014. Cổ phiếu Viwaseen Huế được đăng ký trên sàn giao dịch Upcom từ ngày 17-6-2014.

Tháng 6-2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin chủ trương thoái vốn với phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Trên cơ sở đó, tháng 9-2014 Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận việc thoái vốn.

TTCP cũng kết luận Viwaseen phê duyệt cho Viwaseen Huế bán chuyển nhượng cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai không bảo đảm nguyên tắc thị trường là vi phạm quy định.

Bên cạnh đó, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo định giá của tư vấn ở thời điểm cổ phần hóa là 13.314 đồng/cổ phiếu, vì thế chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu Viwaseen - Huế với mức giá tư vấn định giá được cơ quan thanh tra tạm tính khoảng 7 tỉ đồng, có nguy cơ gây thất thoát vốn Nhà nước, phải được xử lý theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại