Kiểm tra học sinh trong giờ ngủ bán trú, cô giáo ở TP.HCM phát hiện 2 điểm bất thường: Lời cảnh báo đến các bậc cha mẹ

Hiểu Đan |

Cô giáo, đồng thời cũng là phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ câu chuyện thu hút sự chú ý.

Hiện tại ở TP.HCM, nhiều trường đang bước vào giai đoạn thi học kỳ 1 căng thẳng. Để đạt điểm cao trong bài thi cuối kỳ, nhiều học sinh phải học tập, ôn luyện ngày lẫn đêm. Phụ huynh cũng stress không kém, vừa lo bồi bổ, vừa thúc giục vì sợ con có kết quả không như ý muốn.

Trên nhiều diễn đàn, việc cha mẹ chia sẻ ảnh con vừa học vừa nằm dài trên bàn, mắt nhắm mắt mở luôn nhận được nhiều sự đồng cảm. Ai cũng biết, cha mẹ áp lực 1 thì những đứa trẻ lại áp lực 10. Giờ ăn, ngủ, nghỉ bị bớt xén đến mức tối đa. Giờ chơi hầu như bị "cướp trắng trợn" để ôn bài cho kịp ngày thi. Với lịch thi dày đặc, nhiều em đã rơi vào tình trạng mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức vì áp lực thi cử.

Mới đây, trong một topic bàn về vấn đề áp lực mùa thi, một cô giáo, đồng thời cũng là phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ câu chuyện thu hút sự chú ý. Cô cho biết, một buổi trưa trong giờ ngủ bán trú, cô phát hiện có hai bé gái lớp 7 chảy máu mũi, cô đoán do học hành vất vả quá. Sau đó, cô tiếp tục kiểm tra lại phát hiện thêm một học sinh lớp mình đỉnh đầu trắng bóc. Hỏi ra mới biết vì mấy bữa nay căng thẳng, cứ vô phòng thi là con vừa làm bài vừa nhổ tóc, trên bài thi tóc rơi lả tả. "Chắc các con cũng chịu áp lực lớn lắm", cô nói.

Kiểm tra học sinh trong giờ ngủ bán trú, cô giáo ở TP.HCM phát hiện 2 điểm bất thường: Lời cảnh báo đến các bậc cha mẹ- Ảnh 1.

Chia sẻ của cô giáo

Dưới phần bình luận, nhiều phụ huynh cũng kể chuyện con mình mất ngủ, rã rời, mệt mỏi, họ áp lực thay con, lo con vào phòng thi không biết có đọc đề bài không vì mải chơi quá. Có người "khoe" ảnh bàn học con lộn xộn nào máy tính, nào sách vở, đồ dùng chưa dọn vì "Con bảo con học xù đầu rối tóc không dọn dẹp được đâu mẹ".

Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh nhận định, con họ vẫn dành thời gian học như bình thường, giải trí đầy đủ vì họ không đặt nặng điểm 9, 10 hay học sinh giỏi, xuất sắc.

Kiểm tra học sinh trong giờ ngủ bán trú, cô giáo ở TP.HCM phát hiện 2 điểm bất thường: Lời cảnh báo đến các bậc cha mẹ- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cân bằng ôn tập, ăn uống ngủ nghỉ khoa học

Sự lo lắng trước kỳ thi thường đi kèm với các phản ứng thể chất, thường là mất ngủ, mơ màng, chán ăn, chóng mặt và đau đầu. Đôi khi nó còn kèm theo tình trạng thiếu tập trung, giảm trí nhớ, hiệu quả học tập thấp. Đây là một phản ứng cơ bản của con người và là một hiện tượng bình thường.

Là cha mẹ, chúng ta hãy khuyên con tự nhủ rằng mục đích chính của kỳ thi là để biết mình đã nắm vững những kiến thức thường học hay chưa nên không cần phải quá áp lực. Chỉ cần chia nhỏ ôn tập kiến thức, giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ thì con có thể thực hiện tốt bài làm.

Ngủ đủ giấc là điều kiện tiên quyết để đảm bảo năng lượng, tinh thần thoải mái và cân bằng, vì vậy học sinh nên duy trì thói quen tốt này trong kỳ thi. Đồng thời có thể thực hiện một số biện pháp để dễ đi vào giấc ngủ như uống một ly sữa ấm trước khi lên giường.

Ngoài ra, các em cũng có thể nghe một vài bản nhạc thư giãn hoặc tập các bài tập thể dục phù hợp trước khi đi ngủ mỗi ngày, có thể giúp loại bỏ căng thẳng. Bằng cách hít thở chậm và sâu, trẻ cũng có thể chuyển những thông điệp nguy hiểm trong não thành thông điệp bình thường và đưa cơ thể vào trạng thái bình tĩnh.

Để tránh gây áp lực cho trẻ, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng: "Điều quan trọng là phải tập cho con có khả năng học tập, nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống một cách chừng mực. Đứng trước áp lực trong công việc, nhiều người cũng không chịu nổi bởi thiếu sự điều hòa, thiếu sự tổ chức hợp lý. Cũng thế, với trẻ việc học tập cũng cần được phẩn bổ trong những khoảng thời gian hợp lý, mà đứa trẻ có thể tiêu hóa được, với sự hướng dẩn và sắp xếp của bố mẹ.

Chương trình học cho tất cả các cấp lớp hiện nay, đều được cho là quá nặng. Bởi vì nhiều lý do, nhưng các điều đó có thể giải quyết phần nào, nếu chính gia đình, bố mẹ không quá kỳ vọng vào con, không đặt lên vai trẻ những thành quả vượt quá khả năng của mình.

Cha mẹ không chỉ không tạo áp lực, mà còn phải quan tâm để hướng dẫn giúp trẻ biết chấp nhận và điều chỉnh được áp lực bằng sự tự tin và cách học tập phù hợp".

Cha mẹ nên học cách khẳng định và động viên con nhiều hơn, để con giữ thái độ học tập lạc quan, tự tin. Cha mẹ có thể trao đổi một cách chân thành và thẳng thắn để con hiểu rằng so với kết quả cuối cùng, cha mẹ trân trọng hơn những nỗ lực và tiến bộ mà con đã đạt được trong quá trình đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại