Kiểm tra, giám sát tài sản không có vùng cấm, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị

Hoàng Đan |

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy, các cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư cũng sẽ nằm trong đối tượng phải kiểm tra, giám sát tài sản.

Sáng 29/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó sẽ bao gồm cả các cán bộ là Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ không kiểm tra cán bộ cấp cao đương chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý?

Không phải vậy, đây là quy định của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, các đối tượng thuộc diện quản lý, kiểm tra thì không có vùng cấm.

Sẽ không có vùng cấm trong kiểm tra, giám sát tài sản của các cán bộ là Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và nằm trong đối tượng là kiểm tra nhưng phải theo đúng 3 căn cứ mà quy định của Bộ Chính trị nêu.

Vướng mắc trong xử lý án tham nhũng là xác minh nguồn gốc tài sản tham nhũng. Quy định lần này của Bộ Chính trị liệu có giải quyết được vướng mắc này không thưa bà?

Quy trình nằm trong vụ án sẽ do các cơ quan tố tụng tiến hành, phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Khi đưa ra xét xử các điều kiện đó đã đầy đủ, đảm bảo các vụ xét xử được khách quan, đúng quy trình.

Vậy, kế hoạch triển khai cụ thể quy định của Bộ Chính trị thời gian tới ra sao?

Mọi việc đều do Thường trực Uỷ ban kiểm tra Trung ương bàn bạc quyết định. Tuy nhiên, do Thường trực Uỷ ban chưa họp nên hiện chưa có thông tin, kế hoạch cụ thể.

Với các cán bộ cấp cao liệu có cần đủ cả 3 căn cứ mới điều tra, xác minh hay chỉ cần 1 căn cứ đã có thể tiến hành thưa bà?

Trong 3 căn cứ đó thì chỉ cần 1 căn cứ. Ví dụ, khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì mình tiến hành kiểm tra hoặc khi có phản ánh, tố cáo có căn cứ là có việc là kê khai tài sản không trung thực thì tiến hành kiểm tra.

Hoặc là khi có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực thì tiến hành xác minh, không cần đủ cả 3 căn cứ.

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại, đối với cán bộ cấp cao dễ xảy ra e ngại, né tránh thì làm sao mình giám sát để quy định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả?

Việc này là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao nhiệm vụ thì sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có né tránh.

Trước đó, theo bà Thủy ba trường hợp phải kiểm tra gồm:

Thứ nhất, từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch xem việc kiểm tra, giám sát như nào. Khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do nào đó thì Uỷ ban Kiểm tra TƯ sẽ tiến hành làm.

Đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho Uỷ ban Kiểm tra TƯ làm.

Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ ba, khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại