Vấn đề được nhắc tới đó là các giải thể thao vô địch quốc gia cần triệt để trong công tác lấy mẫu thử, kiểm tra chất cấm (doping). Chỉ khi thực hiện triệt để điều này, dù số lượng hạn chế, nhưng nếu việc thực hiện được quy định rõ ràng, VĐV sẽ phải có ý thức kỷ luật cho bản thân, tránh xảy ra sai phạm. Ở đây, nếu sử dụng ma túy, vô tình VĐV hay cầu thủ đó nằm trong diện phải lấy mẫu kiểm tra doping thì gần như chắc chắn mẫu thử sẽ có kết quả dương tính.
Trong báo cáo công tác hoạt động ở năm 2024 được thực hiện đầu năm nay với lãnh đạo Cục TDTT, đại diện Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam cho biết, dự kiến cả năm 2024 lấy khoảng 28 mẫu thử doping tại các giải thể thao quốc gia. Bóng đá là môn tổ chức giải vô địch quốc gia kéo dài thời gian nhất. Thực tế cho thấy, việc lấy mẫu (bằng hình thức ngẫu nhiên) ở giải bóng đá vô địch quốc gia nhiều năm trở lại đây ít tiến hành. Không ai dám đảm bảo, trong số các cầu thủ thi đấu, tất cả là... sạch hoàn toàn. Chỉ khi có kiểm tra doping, tính kỷ luật mới sẽ được chặt chẽ thêm trong giải đấu, cầu thủ ý thức hơn về sinh hoạt cá nhân của mình.
Việc thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping tại các giải thể thao quốc gia của các môn đang thực hiện. Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam là đơn vị thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra doping các VĐV dự giải vô địch quốc gia ở môn mình cũng như Cục TDTT và Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đang thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục, cập nhật kiến thức về phòng chống doping, sử dụng chất cấm trong thể thao ở mỗi giải vô địch quốc gia. Vấn đề khó nhất lúc này chính là kinh phí. Khi một giải vô địch quốc gia của một môn thể thao được tổ chức, cán bộ Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam hoạt động độc lập (không phụ thuộc vào ban tổ chức giải) sẽ được lấy số lượng mẫu và lấy theo thời gian bất chợt, không thông báo trước. Ban tổ chức của giải chỉ được thông báo về kế hoạch sẽ triển khai công tác lấy mẫu kiểm tra doping đối với VĐV. Còn lại số lượng bao nhiêu mẫu và thời điểm thực hiện lấy mẫu hoàn toàn được cán bộ Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam giữ kín, đảm bảo công tác chuyên môn. Từ năm 2021 tới nay, công tác này đã thực hiện.
Sau sự cố 5 tuyển thủ điền kinh quốc gia dương tính với chất cấm sau thi đấu SEA Games 31 (tháng 5-2022) tại Việt Nam, rất nhiều giải vô địch quốc gia ở nhiều môn đã được tiến hành lấy mẫu kiểm tra từ đó tới năm 2024 này. Như đã nói ở trên, kinh phí là điều quyết định về số lượng sẽ thực hiện là bao nhiêu. Quy trình kiểm tra doping được khép kín. Sau khi lấy mẫu, mẫu thử sẽ được gởi tới phòng kiểm tra theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức phòng chống doping thế giới – WADA phân tích. Khi có kết quả, phòng xét nghiệm sẽ gởi về Việt Nam. Kết quả mẫu thử được bảo lưu tại Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam.
Năm 2024, Cục TDTT tổ chức các giải thuộc hệ thống quốc gia đối với 42 môn thể thao (trong đó có bóng đá). Số mẫu doping dự kiến lấy kiểm tra chỉ khoảng 28 là rất hạn chế. Dẫu thế, nhiều ý kiến chuyên môn đã cho rằng giải bóng đá vô địch quốc gia cần là một trong những giải thường xuyên phải tiến hành lấy mẫu thử kiểm tra cầu thủ, để có niềm tin trước người hâm mộ.