Dạy con chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, bởi nếu không đủ sát sao, con rất dễ đi sai đường. Như mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ câu chuyện con gái mình lên một hội nhóm với hơn 350 nghìn lượt theo dõi. Theo đó, vào buổi tối khi chuẩn bị sách vở cho con, người mẹ này thử mở balo của con ra thì vô tình phát hiện có một chiếc vòng tay lạ. Đáng nói, người mẹ biết chắc chắn nó không phải của con.
"Mình hỏi con, ban đầu con không nói gì, cứ cúi mặt xuống. Sau một hồi mình ngồi lại, giải thích và khuyên nhủ, thì con mới thú nhận... con đã lấy nó từ bạn trong lớp. Nghe con nói, mình như chết lặng. Mình không tin nổi, con mình lại làm điều như vậy", phụ huynh chia sẻ.
Trong phong cách dạy con của mình, người mẹ này luôn dạy con phải trung thực, không được lấy đồ của người khác, nên khi thấy con làm hành động như vậy, chị rất sốc: "Có phải mình đã không dạy con đủ tốt hay không quan tâm con đủ nhiều không ạ?".
Về hướng giải quyết, người mẹ này định đưa con đến gặp bạn để trả lại vòng và xin lỗi. Nhưng người mẹ đang lo cách làm của bản thân có thể khiến con sợ hơn, thậm chí con sẽ cảm thấy xấu hổ quá mức.
"Làm mẹ thật sự không dễ chút nào, mọi người cho mình xin lời khuyên với", người mẹ nói.
Bên dưới phần bình luận, phụ huynh để lại nhiều quan điểm khác nhau trước sự việc này. Có thể nói, hành động của bạn học sinh trong câu chuyện đã sai và cha mẹ cần bình tĩnh để tìm ra cách giải quyết phù hợp, vừa để dạy con vừa để con rút kinh nghiệm mà không làm tổn thương con.
- Hồi nhỏ mình từng ăn trộm đồ trong hiệu sách, vì mình thích mà nhà không có điều kiện. Người ta bắt được, gọi mẹ mình đến và đưa ra 2 phương án: (1) nộp phạt rồi về; (2) nộp phạt và mua lại tất cả đồ đã lấy với giá gấp đôi. Mình đã nói mình không cần mấy đồ này, nhưng mẹ mình vẫn mua dù không dư dả gì. Mẹ nói chắc là con thích lắm nên mới làm như thế, không mắng mỏ hay đánh đập gì, nhưng mình hối hận hơn bao giờ hết. Hiện, mình đã trưởng thành và cũng gọi là thành công. Cảm ơn mẹ ngày ấy đã luôn thấu hiểu và tin tưởng con.
- Con không nói dối là bạn cho, mà chọn cách nói thật với mẹ, có nghĩa là con vẫn biết đúng sai và thành thật.
- Mình nghĩa quan trọng là cách nói chuyện của mẹ với con để con hiểu ra rằng con thích bố mẹ sẽ mua cho con, con đến để xin lỗi bạn vì cầm về làm mẫu cho bố mẹ mua (lý do tế nhị) vậy thôi, đừng làm quá lớn chuyện. Trẻ con ai cũng có lỗi lầm nhưng hiểu và hối lỗi thì vẫn tốt.
- Bố mẹ hãy phân tích, giải thích cho con hiểu hành động của con là sai và hãy cùng con đến trả lại, đồng thời xin lỗi bạn. Phải để con hiểu rõ cái sai của mình và cũng phải để con biết sai, thừa nhận cái sai đó và chấp nhận sữa sai. Có như vậy con mới ghi nhớ và không tái phạm nữa.
- Mẹ xem vòng này là gì, đặt cho con một cái làm mục tiêu phấn đấu. Mẹ không sợ làm con xấu hổ đâu. Con phải có trách nhiệm với việc con làm. Mua 1 món quà nhỏ cho con để con tặng lại bạn để xin lỗi cũng không tệ.
- Thật ra nếu được bạn hãy thả lỏng mình trước, bạn thực sự mong muốn điều gì qua sự việc này? Bạn thực sự lo lắng điều gì ở trong sự việc này! Con trẻ thường thích đồ của người khác, dù bố mẹ có dạy về quyền sở hữu của mỗi người. Con của mình cũng từng làm vậy, mình hỏi con vui vẻ kể, mình hỏi con thích đồ chơi đó lắm hả và con biết con cần làm gì vào hôm sao rồi đúng không? Con kể cho mình tên bạn và mình vào nhóm phụ huynh hỏi mẹ bạn, và cũng nhắn mẹ con có cầm đồ về, hôm sau con sẽ mang trả lại. Hôm sau con cũng đã gửi lại bạn và bạn cũng vui vẻ. Thật ra nói con trẻ như tờ giấy trắng rất đúng, cảm nhận năng lượng người lớn rất tốt. Mẹ lo lắng là con cảm nhận được ngay, nhiều khi con tránh vì sợ mẹ lo hơn đấy mẹ.
Cha mẹ cần làm gì nếu phát hiện con mắc tật ăn cắp vặt?
Khi phát hiện con cái ăn cắp vặt, cha mẹ cần bình tĩnh để xử lý tình huống một cách hiệu quả. Đầu tiên cũng là điều rất quan trọng là che mẹ không nên tỏ ra hoảng loạn hay tức giận dữ dội vì điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và không an toàn, từ đó làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cha mẹ cần phải có cuộc trò chuyện nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc với con, để hiểu rõ động cơ và lý do đứa trẻ đã làm việc này. Qua đó, cha mẹ có thể giáo dục con về giá trị của sự trung thực và hậu quả của việc ăn cắp, cũng như tầm quan trọng của việc tôn trọng tài sản của người khác.
Tiếp theo, cha mẹ nên hướng dẫn con cách sửa chữa sai lầm, có thể là trả lại đồ vật đã lấy, xin lỗi người bị ảnh hưởng, và thực hiện một hành động tích cực nào đó để cải thiện tình hình. Qua đó, đứa trẻ sẽ học được bài học về trách nhiệm và sự chuộc lỗi.
Mặt khác, cha mẹ cũng cần tự kiểm điểm lại cách giáo dục và môi trường gia đình, để xem có điều gì có thể đã tác động tiêu cực đến hành vi của trẻ hay không. Có thể cần thiết phải điều chỉnh cách tiếp cận giáo dục hoặc cung cấp thêm sự hỗ trợ và tình yêu thương để đứa trẻ không cảm thấy cần phải ăn cắp để đáp ứng một nhu cầu nào đó.
Cuối cùng, việc xây dựng một môi trường gia đình nơi mà đứa trẻ cảm thấy thoải mái để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình mà không sợ bị đánh giá hoặc trừng phạt nặng nề là rất quan trọng. Điều này giúp phòng ngừa những hành vi không mong muốn trong tương lai và thúc đẩy một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái, nơi sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đứa trẻ.
Tổng hợp