Năm năm trước, tôi quyết định mua hai bảo hiểm, cho chồng - trụ cột chính trong gia đình và cho tôi. Tôi nghĩ rằng, với việc mua bảo hiểm, nếu vợ chồng tôi có ốm đau, bệnh tật cũng sẽ không phải lo lắng nhiều về vấn đề viện phí, thậm chí, nếu có xảy ra trường hợp xấu nhất, ít ra vẫn có một khoản để lại cho con.
Ngay khi tôi chia sẻ ý định đó với một bạn làm tư vấn viên, họ tập tức có mặt để tư vấn cho tôi. Trong cuộc gặp kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ, người này nói về những điều tốt đẹp, những ưu việt của hợp đồng bảo hiểm. Họ nói rằng, tôi chỉ phải đóng tới năm 65 tuổi. Sau đó, tôi sẽ lấy lại được khoản tiền từ công ty bảo hiểm, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi dựa vào lãi suất ngân hàng thời điểm đó. Trong quá trình đóng, nếu tôi bị nhập viện, không may bị một trong những loại bệnh (theo bản danh sách các bệnh được liệt kê trong hợp đồng), tôi sẽ được bảo hiểm chi trả.
Tin lời nhân viên tư vấn và có nhu cầu mua thực sự, tôi quyết định mua liền một lúc hai gói bảo hiểm. Cân nhắc về khoản thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng, tôi mua gói có mức đóng 18 triệu đồng/năm/1 hợp đồng. Với mức phí này, tôi chọn mức đóng theo thời hạn 6 tháng/lần.
Ngọc Lan mếu máo chia sẻ câu chuyện mua bảo hiểm của bản thân.
Hai tuần sau khi “xuống tiền” cho công ty bảo hiểm, tôi được nhân viên tư vấn hẹn gặp và đưa bản hợp đồng cả mấy chục trang giấy. Thú thật, thời điểm đó, tin lời nhân viên tư vấn, nên tôi chỉ kiểm tra các thông tin về bản thân và về chồng chính xác hay không rồi đặt bút ký. Tôi không đọc kỹ và tìm hiểu thời điểm đáo hạn hợp đồng. Sau khi nhận xong hợp đồng bảo hiểm, tôi cũng cất vào tủ, không động tới.
Tới gần đây, khi những ồn ào trong việc mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan được đề cập trên truyền thông, tôi mới giật mình, cuống cuồng đi tìm bản hợp đồng đã ký từ 5 năm trước để đọc. Càng đọc, tôi càng thấy mình cũng chẳng khác câu chuyện của diễn viên Ngọc Lan là bao. Hợp đồng bảo hiểm của tôi có điều khoản “thời gian đáo hạn hợp đồng 10/2084”. Tréo ngoe năm nay tôi 38 tuổi, vậy ngày đáo hạn hợp đồng, tôi ở tuổi 99? Điều lạ là cùng mua một thời điểm, cùng nói với tư vấn viên một nguyện vọng, mong muốn thế nhưng hợp đồng của chồng tôi lại đáo hạn vào năm 2049.
Tôi vội gọi điện thoại cho tư vấn viên, người đó chia sẻ đã không còn làm việc cho hãng bảo hiểm kia. Họ bảo tôi nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy làm việc trực tiếp với hãng bảo hiểm. Họ không còn bất nhiệm gì với hợp đồng của tôi nữa.
Cầm hai hợp đồng bảo hiểm trong tay mà tôi thẫn thờ. Giờ cũng chỉ biết trách bản thân vì đã quá tin lời tư vấn viên, chỉ biết nghe những lời “nói thao thao bất tuyệt” của họ về lợi ích của bảo hiểm và không đọc kỹ hợp đồng, đã vội đặt bút ký.
Bây giờ, tôi băn khoăn không biết mình nên rút tiền trước thời hạn (với lựa chọn này, tôi sẽ mất một khoản tiền không nhỏ) hay tiếp tục đóng hợp đồng để đợi ngày đáo hạn, khi tôi đã 99 tuổi?
Tôi cũng giống với nhiều người, khi mua bảo hiểm, điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên là bảo vệ rủi ro, sức khỏe, chứ không đặt nặng việc phải phát sinh lời lãi. Thế nhưng khi đi mua bảo hiểm, tôi mới thấy hết được những bất cập của việc này.
Tôi chia sẻ câu chuyện của bản thân để các bạn hãy chú ý hơn khi mua bảo hiểm. Bảo hiểm không xấu. Nó giúp bảo vệ chúng ta trong những trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, khi mua hợp đồng, các bạn nên đọc kỹ các điều khoản, tuyệt đối không thể vì tin lời tư vấn viên mà đặt bút ký.