Nợ công trong mức cho phép
Chiều 20.5, tiếp tục chương trình kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV , Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018.
Đáng chú ý, theo ông Phớc, qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng.
"KTNN chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ", ông Phớc nói.
Ngoài ra, KTNNT cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Theo Tổng KTNN, dư nợ công đến 31.12.2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP.
Trong đó, nợ Chính phủ 2.587.372 tỷ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.923 tỷ đồng, bằng 9,1% GDP; nợ Chính quyền địa phương 29.999 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP, trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP).
Tuy nhiên, theo ông Phớc, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng).
Ngoài ra, theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của Chính phủ, Bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách địa phương (NSĐP) không bội chi, ngân sách trung ương (NSTƯ) bội chi 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, kết dư NSĐP 129.073 tỷ đồng.
Nhiều sai sót trong dự toán chi ngân sách
Tổng KTNN cũng cho biết, dự toán chi NSNN 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,6% dự toán giao.
Trong đó, quyết toán chi đầu tư phát triển 372.792 tỷ đồng, bằng 27,5% tổng chi NSNN, tương đương 7,4% GDP, tăng 4,4% so với dự toán, chủ yếu do tăng từ nguồn tăng thu của địa phương, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang.
Ông Phớc cho biết thêm, quyết toán chi thường xuyên 881.687 tỷ đồng, giảm 2,35% so với dự toán, bằng 65% tổng số chi theo dự toán, tăng cao so với 3 năm gần đây.
Cũng theo báo cáo, Tổng KTNN cho biết, dự toán chi thường xuyên của một số địa phương được xác định chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
"Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán lập dự toán chi không sát thực tế, sai quy định.
Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...", ông Phớc nhấn mạnh.