Một công ty thông thường được tài trợ vốn thông qua vốn chủ sở hữu và vay nợ. Vốn mỏng đề cập đến tình huống mà công ty huy động vốn với tỷ lệ nợ tương đối cao so với vốn chủ sở hữu. Các công ty vốn mỏng còn được gọi là công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao.
Quy định mới về “vốn mỏng” khi xác định các khoản chi không được trừ
Một trong những nội dung được Deloitte Việt Nam góp ý vào đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế là về quy định mới về vốn mỏng.
Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật quy định: Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hũu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó,
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Deloitte Việt Nam cho biết đây là điểm khó có thể áp dụng và có quy định chồng chéo.
Theo ông, góc độ về thuế, hiện tại có nhiều quy định về chi phí lãi vay không được trừ chồng chéo (cụ thể chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu, chi phí lãi vay không được trừ do vượt quá 20%). Việc quy định thêm chi phí lãi vay không được trừ này sẽ dẫn tới trường hợp các doanh nghiệp vi phạm hai trong ba quy định sẽ gặp khó khăn khi xác định chi phí không được trừ.
Trên góc độ kinh tế, ông Tuấn cho biết hình thức sử dụng vốn vay là một trong các phương pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất vốn kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận cho chủ đầu tư. Do đó, việc khống chế tỷ lệ vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu sẽ có thể hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.
“Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhu cầu vốn vay bên ngoài bổ sung vào hoạt động rất quan trọng. Việc không chế tỷ lệ này sẽ tác động đến chủ doanh nghiệp, ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch kinh doanh của họ”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện Deloitte cũng cho biết cơ sở để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay để khống chế chi phí lãi vay mới chỉ xem xét trên bình diện chung, chưa phân tích dựa trên đặc thù kinh doanh từng ngành/lĩnh vực, do đó, nếu dưa vào áp dụng quy định có thể phát sinh bất cập, dẫn đến phải sửa luật sau này.
Văn bản góp ý Hội tư vấn Thuế Việt Nam cũng lưu ý việc khống chế tỷ lệ nợ vay/vốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh, buộc doanh nghiệp chỉ có cách đi vay vốn. Và khi có thêm một phần chi phí lãi vay không được khấu trừ thuế, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn.
Do đó, như phía Deloitte đề xuất, tạm thời chưa bổ sung quy định về vốn mỏng vào dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.