Người dân bàng hoàng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: AFP
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, đã bị tấn công bằng súng khi đang vận động tranh cử tại thành phố Nara, miền tây Nhật Bản. Đài truyền hình Nippon TV cho biết trong thời điểm đó, kẻ tấn công chỉ đứng cách ông Abe khoảng 3m. Ngay sau đó, nghi phạm 41 tuổi đã bị bắt giữ và thừa nhận hành vi phạm tội. Một quan chức của sở cảnh sát tỉnh Nara cho biết nghi phạm đã thực hiện vụ tấn công bằng súng tự chế. Giới chức cũng tìm thấy nhiều khẩu súng tại nơi ở của nghi phạm.
Theo hãng tin Kyodo, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chứng kiến một số vụ xả súng nguy hiểm, bao gồm cả những vụ xả súng nhằm vào các chính trị gia, dù đây là quốc gia có chính sách kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn hẳn so với các quốc gia khác, chẳng hạn Mỹ.
Theo GunPolicy, trang tổng hợp thông tin về chính sách kiểm soát súng trên thế giới, tính đến năm 2019, Nhật Bản, quốc gia trên 125 triệu dân, có khoảng 310.400 khẩu súng lưu hành trong dân số. Tỷ lệ sở hữu súng ở nước này là 0,25%, một trong những mức thấp nhất thế giới. Con số này có phần nhỏ bé khi so sánh với tổng số 393 triệu khẩu súng ở Mỹ, tương đương tỷ lệ 120 khẩu/100 người, và 3,2 triệu khẩu, tương đương 5 khẩu/100 người ở Anh.
“Nhật Bản từ lâu đã thực thi luật kiểm soát súng rất chặt chẽ. Họ là quốc gia đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới, nhằm đảm bảo súng thực sự không đóng vai trò nào trong xã hội dân sự”, ông Iain Overton, Giám đốc điều hành Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV) của Anh, nói.
Luật Kiểm soát Súng đạn của Nhật Bản từ năm 1958 quy định không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm. Theo đó, nếu người nào muốn sở hữu súng, họ sẽ phải tham gia khóa đào tạo nhiều ngày, vượt qua bài kiểm tra lý thuyết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra thực hành bắn súng. Sau đó, họ tiếp tục phải kiểm tra tâm lý, xét nghiệm ma túy tại bệnh viện và thẩm tra lý lịch. Trong quá trình này, giới chức sẽ điều tra về hồ sơ tội phạm của họ, đồng thời phỏng vấn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người muốn sở hữu súng.
Song các chuyên gia cho biết trong bối cảnh hiện nay, nhiều công nghệ mới – như công nghệ in 3D – đang giúp mọi người có thể chế tạo súng tự chế dễ dàng hơn. Điều này gây cản trở nỗ lực trấn áp tội phạm bạo lực súng đạn của cơ quan thực thi pháp luật.
Các cơ quan cảnh sát ở Nhật Bản thường yêu cầu các bộ phận chuyên môn thực thi luật kiểm soát súng nghiêm ngặt của quốc gia. Ngoài ra, giới chức cũng thu thập thông tin từ người dân để truy tìm súng bất hợp pháp theo một phần của nỗ lực chung ngăn chặn tội phạm xả súng.
Lần gần nhất một chính trị gia Nhật Bản bị bắn là năm 2007, khi thị trưởng thành phố Nagasaki Itcho Ito bị một thành viên cấp cao của “yakuza” – nhóm tội phạm có tổ chức - bắn chết trong một chiến dịch tranh cử.
Cựu Thủ tướng Abe cũng bị ám sát bằng súng tự chế và qua đời chỉ vài giờ sau đó. Ông Benoit Hardy-Chatrand, giảng viên Đại học Temple, cho rằng vụ nổ súng nhằm vào ông Abe hôm 8/7 ở Nara là sự kiện đau thương và khó tin. Ông chia sẻ vụ ám sát là thông tin vô cùng lạ lẫm với cuộc sống thường ngày ở Nhật Bản.
Mặc dù công dân không có giấy phép khó có thể sở hữu vũ khí ở Nhật Bản, nhưng tiến bộ trong công nghệ và thông tin có sẵn trên mạng đã khiến tình trạng sở hữu vũ khí bất hợp pháp ở quốc gia ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Năm 2014, cựu nhân viên của một trường đại học đã bị bắt vì tình nghi sở hữu trái phép một khẩu súng được sản xuất bằng công nghệ in 3D. Năm 2018, cảnh sát tỉnh Aichi đã bắt giữ một nam thiếu niên với cáo buộc chế tạo súng ngắn và thiết bị nổ tại nhà riêng.
Nobuo Komiya, Giáo sư tội phạm học tại Đại học Rissho, cho rằng hầu như không thể “xóa sổ” tình trạng bạo lực súng đạn. Ông nói: “Không có biện pháp đối phó nào ngoại trừ các cơ quan thực thi pháp luật luôn theo dõi chặt chẽ việc người dân có lạm dụng công nghệ mới trong việc chế tạo súng hay không”.
Ông Grant Newsham, cựu quan chức ngoại giao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, cho biết ông mong đợi Nhật Bản sẽ thận trọng hơn trong việc bảo vệ các chính trị gia cấp cao sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe.
Ông Robert Ward, thành viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London cho biết: “Nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh sẽ được đưa ra sau vụ ám sát này. Rõ ràng an ninh sẽ được thắt chặt hơn nhiều đối với Thủ tướng Fumio Kishida. Nhưng gần gũi với cử tri là nét văn hoá chính trị phổ biến trong các chiến dịch vận động tranh cử của Nhật Bản. Tôi đã tham gia các cuộc vận động tranh cử và tiếp xúc rất gần với công chúng. Có lẽ điều này sẽ phải thay đổi. Song nếu vậy, sẽ thật đáng tiếc!”.