Đêm 21/2 đã xảy ra vụ nổ xe khách trên Quốc lộ 18 (đoạn qua Quế Võ, Bắc Ninh) khiến 16 người thương vong. Nguyên nhân bước đầu được cơ quan công an xác định là do thuốc nổ nhiều khả năng của hành khách mang theo lên xe.
Đây không phải lần đầu tiên có một sự cố cháy nổ trên xe khách do có hành khách mang vật liệu nổ trên xe.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao ngành vận tải xe khách không làm/hoặc không thể làm công việc quản lý hành lý của khách, giống như ngành hàng không đã và đang làm để giảm thiểu tối đa nguy cơ cho các hành khách khác tham gia lưu thông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nhận định, Nghị định 86 đã quy định doanh nghiệp vận tải, lái xe, phụ xe phải chấp hành nghiêm túc việc vận chuyển hành khách, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát những vật liệu cháy nổ.
Với những trường hợp phát hiện hành khách mang theo chất cấm, vật liệu cháy nổ thì phải từ chối phục vụ thậm chí có thể xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng việc kiểm soát hành lý của hành khách gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với hành lý xách tay.
Nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc như vụ nổ xe khách vừa qua, ông Thái cho rằng trước mắt cần phải có những đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp vận tải nhằm phát hiện những trường hợp cố tình mang theo vật liệu cháy nổ, đồng thời qua những đợt kiểm tra đó sẽ tuyên truyền nhắc nhở tới người dân về mức độ nguy hiểm của việc mang vật liệu cháy nổ trong quá trình vận chuyển.
“Đã có quản lý nhà nước thì phải có kiểm tra. Tuy nhiên phải thực hiện kiểm tra thế nào để hành khách không cảm thấy bị làm phiền” – ông Nguyễn Trọng Thái nói.
Ngay cả với những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực vận chuyển hành khách cũng thừa nhận rất khó khăn trong việc kiểm soát hành lý của khách mang theo người.
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, từ trước đã có quy định về kiểm soát hành lý của khách nhưng vấn đề là thực hiện thế nào thì đến thời điểm này vẫn còn đang lúng túng.
Ông Tuấn chia sẻ, so với mặt bằng chung của các bến xe khách tại Hà Nội thì bến xe Mỹ Đình thực hiện khá tốt công tác kiểm soát an ninh tuy nhiên cũng mới chỉ dừng ở khâu kiểm tra hành lý ký gửi.
“Đối với hành lý ký gửi hoặc hàng hoá không có người đi cùng thì chúng tôi sẽ kiểm tra đồng thời xác định rõ nguồn gốc số hàng để khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ trình bày được” – ông Tuấn nói.
Về công tác kiểm soát, ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lái và phụ xe. Theo ông Tuấn, việc đón trả khách cũng như giao nhận hàng được thực hiện tại bến xe sẽ an toàn hơn rất nhiều so với việc đón trả khách dọc đường.
“Việc đón trả khách dọc đường không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn khiến việc kiểm soát an ninh bị mất đi một vài khâu quan trọng.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không kiểm soát được hành khách” – Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình khẳng định.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Hoàng – cán bộ điều hành của hãng xe Hoàng Long chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng cho biết, nhận thấy việc đón trả khách dọc đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên chúng tôi đã gắn camera hành trình trên các xe của hãng để kiểm soát việc xe di chuyển, đảm bảo không dừng đỗ dọc đường, tuy nhiên việc giám sát này cũng chỉ dành cho lái và phụ xe mà không có tác dụng đối với hành khách.
Về vấn đề an ninh, ông Hoàng cho biết trước mắt sẽ tuyên truyền bằng loa ở trên xe và nhờ chính hành khách kiểm tra an ninh.
“Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường như xe dừng đỗ bắt khách, hành khách mang theo vật liệu cháy nổ, đồ cấm thì hành khách sẽ gọi về đường dây nóng để chúng tôi có kế hoạch xử lý” – ông Hoàng chia sẻ.
Việc vận chuyển vận liệu cháy nổ trên xe đặc biệt nguy hiểm bởi nguy cơ cháy nổ vào thời điểm này là rất cao, một cán bộ Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy nhiều năm công tác trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn cho biết, vật liệu cháy nổ sẽ có nguy cơ phát nổ rất cao trong quá trình di chuyển do va đập hoặc nhiệt độ tăng cao do hệ thống máy móc vận hành.