Ngày nay, bưởi Diễn được nhiều người ưa thích, nổi tiếng là thứ quả ngon và là loại trái cây đặc sản bởi người tiêu dùng yên tâm khi không có chất bảo quản. Cây bưởi Diễn được chăm sóc theo một kỹ thuật riêng, cho năng suất và chất lượng thơm ngon hơn nhiều giống bưởi khác.
Vài năm trở lại đây, phong trào chuyển đổi canh tác cây trồng, vật nuôi ở xã Cấn Hữu – Quốc Oai – Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đã theo chủ trương dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa, trồng màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả.
Nhiều gia đình đã chuyển đổi theo mô hình vườn ao chuồng (VAC), trong đó cả xã có khoảng 100 hộ chuyển sang trồng bưởi Diễn với diện tích tổng cộng hơn 7ha. Điều đặc biệt là cây bưởi gốc Phú Diễn nhưng hợp với đồng đất ở đây và được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển nhanh, chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm là một trong những điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, gặt hái được thành công lớn sau hơn 10 năm trồng bưởi Diễn.
Hiện gia đình ông đa chuyển đổi 3 mẫu đất nông nghiệp sang mô hình VAC với 2/3 diện tích đất dùng để xây chuồng trại chăn nuôi, diện tích đất còn lại gia đình dành tất cả trồng giống bưởi Diễn. Trên vườn hiện trên dưới 100 gốc bưởi, mỗi cây cho năng suất từ 60-80 quả.
Bưởi đang trong thời gian thu hoạch rộ, các thương lái đến tại vườn thu mua với giá cao. Do bưởi được trồng lâu năm nên độ ngọt của bưởi cũng đạt chuẩn, được thương lái trả giá cao, trong đó quả loại đẹp, đều, chắc tay bán 25-30.000 đồng/quả, quả nhỏ hơn được bán với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/quả.
Năm nay do thời tiết mưa nắng thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng và chất lượng bưởi. Trận mua to gây ngập đầu tháng 9 vừa quả cũng làm rụng lượng lớn bưởi non trong vườn gây thiệt hại kinh tế đáng kể.
Nhưng theo anh Lâm, trừ vật tư phân bón và công chăm sóc vụ bưởi năm nay gia đình anh cũng có thể thu về 200.000 triệu đồng.
Bưởi chín vàng được gia đình thu hoạch đợi thương lái đến cất buôn (ảnh: Tùng Anh).
Nhà chị Nguyệt, một hộ trồng bưởi Diễn nhất nhì trong xã cũng cho biết, nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây bưởi Diễn, hiện gia đình đang trồng với diện tích 8 sào bưởi với độ 6 năm tuổi, đã bắt đầu cho thu hoạch với thu nhập cũng khá.
Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi Diễn trĩu quả, Chị Nguyệt kể: “Trước đây, trang trại này của gia đình tôi trồng táo, ổi. Qua báo đài thấy mô hình trồng bưởi Diễn ở Hưng Yên và một số địa phương ở Hà Nội thu nhập rất cao, tôi quyết định chuyển hướng”.
Bưởi trong vườn đã gả màu vàng óng đợi thu hoạch.
Không chỉ đem lại doanh thu hơn nửa tỷ đồng/năm, trang trại của chị Nguyệt đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, Chị còn cung cấp cây con giống, lai tạo ghép bưởi bán cho các hộ trong quanh khu vực huyện đem lại nguồn thu đáng kể.
Gia đình ông Hoàng, một hộ làm VAC khác cũng mạnh dạn trồng thử nghiệm giống bưởi Diễn. Lúc đầu trồng thử nghiệm khoảng 30 cây, sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, ông Hoàng nhận thấy cây bưởi Diễn phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, quả sai và ngọt không kém gì bưởi Diễn được trồng tại đất Phú Diễn – Từ Liêm.
Đến năm 2014, qua học hỏi kinh nghiệm ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, gia đình ông tiếp tục trồng thêm hơn 100 cây.
Hiện 30 cây trồng thử nghiệm đã cho quả mùa thứ 2, chất lượng bưởi rất tốt, thương lái đến tại vườn mua với giá 25.000 đồng/quả không kể to nhỏ, qua hạch toán vụ bưởi năm nay gia đình ông bán được khoảng hơn 2.000 quả thu về gần 50 triệu đồng.
Được biết hiện nay bưởi Diễn đang được các cán bộ Nông nghiệp trong huyện và Khuyến nông trong xã nhân rộng mô hình trồng và tăng diện tích tính trung bình mỗi cây bưởi Diễn cho từ 50-100 quả, có giá trị từ 1-3 triệu đồng. Do vậy mà nhiều hộ dân trong xã mỗi năm có thu nhập từ 40-60 triệu đồng.