Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Đối với nhiều người, việc kiếm tiền sau mùa dịch là cả một vấn đề khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng. Thế nhưng với những người chuyên tư vấn hôn nhân, đại dịch lại là cơ hội để họ phát triển sự nghiệp, gia tăng thu nhập.
Như trị ung thư
Trong một văn phòng nhỏ ở Thượng Hải, nhà tư vấn hôn nhân Zhu Shenyong đang livestream để nói chuyện với mọi người cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có khá nhiều người xem ông Zhu nói chuyện và trên thực tế, trục trặc hôn nhân đang là vấn đề khá nóng tại Trung Quốc khi tỷ lệ ly hôn ngày một tăng.
"Tôi nghĩ rằng tư vấn hôn nhân đang bị coi như điều trị ung thư giai đoạn cuối vậy. Hầu hết các khách hàng đến với chúng tôi khi tình hình đã quá nghiêm trọng", chuyên gia Zhu cho biết.
Chuyên gia Zhu Shenyong
Đầu năm 2021, ông Zhu trở nên khá nổi tiếng trên mạng khi công bố mức thu nhập 1 triệu Nhân dân tệ/năm, tương đương 154.000 USD. Hiện nay mỗi buổi livestream của ông Zhu đều thu hút khá nhiều người xem để học hỏi cách giữ nhiệt trong quan hệ hôn nhân.
Năm 2020, số vụ ly hôn tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 8,6 triệu trường hợp, cao hơn gần 100% so với năm 2019 và khiến nhiều chuyên gia lo lắng cho sự ổn định trong xã hội. Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách 1 con, Trung Quốc đang thừa tới 30 triệu nam giới và rủi ro thiếu lao động, dân số lão hóa nhanh đang cận kề.
Trên thực tế, các gia đình tại Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ giá nhà tăng cao, bất bình đẳng thu nhập, chi phí nuôi con đi lên cho đến những định kiến xã hội về vai trò phụ nữ.
Thậm chí, đại dịch Covid-19 càng khiến những bất hòa trong gia đình tăng cao khi các cặp đôi tiếp xúc nhau thường xuyên hơn.
"Nếu nhìn theo hướng tích cực thì ly hôn là minh chứng cho sự trỗi dậy của phụ nữ nhằm giành lại quyền của bản thân", ông Zhu nói vui.
Chỉ là sự lựa chọn
Theo ước tính của tờ The Lancet, dân số Trung Quốc vào năm 2100 sẽ rơi xuống thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Nigeria. Đây là thông tin không mấy vui vẻ cho chính quyền Bắc Kinh và chính phủ đang cố gắng để ổn định những cuộc hôn nhân trong xã hội.
Các nhà hoạch định chính sách vào năm ngoái đã áp dụng quy định 30 ngày trung gian để 2 vợ chồng làm lành trước khi chính thức ly hôn. Trước đó thời hạn làm lành chỉ là 1 ngày. Tại thành phố Vũ Hán, chính sách mới này đã cứu nguy cho gần 2/3 trong số 3.096 vụ ly dị của tháng 1/2021.
Anh Wallace, một công dân Thượng Hải cho biết chính sự phát triển kinh tế khiến ngày càng nhiều người không hài lòng với cuộc sống hiện tại để rồi đi đến đổ vỡ hôn nhân. Người đàn ông 36 tuổi này mới đây đã ly hôn sau 3 năm chung sống theo phán quyết của tòa án.
Ở phía bên kia, nhiều phụ nữ lại cho rằng việc kết hôn sớm rồi bận tối ngày chăm con là nỗi khổ mà họ không còn muốn chấp nhận. Ngày càng nhiều nữ giới tìm kiếm chồng giàu hoặc sống độc thân hưởng thụ khiến tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua bất chấp việc cách ly khiến các cặp vợ chồng có thời gian bên nhau hơn.
Cô Vivien, một phụ nữ 31 tuổi đã ly hôn cho biết mình chẳng cảm thấy sợ hãi, thay vào đó là nỗi mong chờ trên con đường tự do mới khi được giải thoát khỏi gánh nặng gia đình.
"Những người già thường cho rằng ly hôn là điều không ai muốn, thế nhưng giới trẻ ngày nay chỉ đơn giản coi đó là một sự lựa chọn. Chúng tôi không cảm thấy xấu hổ vì ly hôn, thay vào đó chúng tôi lại đang được truyền cảm hứng từ những người phụ nữ thành đạt hơn sau khi đổ vỡ hôn nhân", cô Vivien cho biết.