Quyết tâm đưa lục quân Israel vào Gaza
Israel đã ném bom dữ dội xuống dải Gaza. Họ cũng đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự trên bộ chưa từng có nhằm vào dải đất này, với lời cảnh báo các quy tắc đã thay đổi sau khi nhóm Hồi giáo Hamas sát hại nhiều công dân Israel hôm 7/10/2023.
Xe tăng Israel ở gần thành phố Sderot tại vùng biên giới với Gaza trong cuộc chiến Gaza năm 2014. Ảnh: Nytimes.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào đêm 11/10 tuyên bố: “Mọi thành viên Hamas đã được tử thần đánh dấu”.
Hiện trong chính phủ đoàn kết mới của Israel, không hề có sự bất đồng nào về nhu cầu phải giải tán Hamas để bảo đảm tổ chức này không bao giờ đe dọa Israel được nữa. Giới chức Israel cho hay, họ đã truy lùng các đối tượng thuộc Hamas đã gây ra cái chết cho hơn 1.200 dân thường Israel trong đợt tấn công Israel vừa qua.
Chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Israel đã triển khai ồ ạt binh lính và xe tăng gần biên giới với Gaza. Israel cũng đã gọi nhập ngũ đối với 360.000 lính dự bị động viên.
Tuy nhiên, ở cấp chiến thuật, vẫn chưa rõ chiến dịch đó sẽ diễn ra khi nào và theo hình thức nào - tấn công ồ ạt tổng lực hay thông qua các nhóm tiến công riêng lẻ. Người ta cũng chưa rõ Israel sẽ điều phối sức mạnh áp đảo của lục quân, hải quân và nhất là không quân như thế nào, theo Yaakov Amidror, một viên tướng về hưu từng làm Cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Netanyahu trong một chính phủ Israel nhiệm vụ trước đây.
Thách thức lớn mà Israel đối mặt khi triển khai bộ binh
Gaza là một dải đất nhỏ hẹp đông đúc, với 2,3 triệu cư dân. Một cuộc tiến công trên bộ vào Gaza sẽ gặp nhiều thách thức.
Hamas - tổ chức Hồi giáo chủ nghĩa đã cai quản Gaza trong 17 năm, biết rất rõ địa hình nơi đây, và vận hành một mạng lưới các đường hầm phức tạp.
Kể từ khi trao trả Gaza cho người Palestine (vào năm 2005), phía Israel tỏ ra ít hào hứng với ý tưởng tiến công trên bộ vào vùng đất này.
Trong một cuộc xung đột với quy mô hạn chế hơn cách đây gần một thập kỷ, các dự báo nội bộ của quân đội Israel về thương vong lớn đã bị rò rỉ ra giới truyền thông. Người ta nghi ngờ rằng chính ông Netanyahu đã tiết lộ thông tin, với mục đích làm cho công chúng Israel có cái nhìn thực tế về chi phí cho việc tái chiếm đóng Gaza.
Vấn đề nữa, theo cựu tướng Amidror, là làm thế nào để thuyết phục dân thường di dời ra khỏi các thành phố đông đúc tới nơi an toàn hơn.
Ông Amidror nêu thêm vấn đề thứ 3 là, quân đội Israel sẽ đóng lại đó bao lâu?
Cựu tướng nói thêm: “Thành viên nào của nội các Israel cũng đồng ý phải đập tan Hamas. Nhưng họ cần thảo luận thêm, là việc đó sẽ mất bao lâu, phương pháp như thế nào, và có cách nào để giảm thiểu thương vong dân thường”.
Ông Amidror lặp lại lời của các sĩ quan cao cấp Israel: “Nếu phải chiếm toàn bộ dải Gaza, chúng tôi sẽ làm điều đó một cách từ từ nhưng chắc chắn, thậm chí ngay cả khi phải mất 6 tháng”.
Thế nhưng, Itamar Yaar, người hỗ trợ vạch kế hoạch rút binh sĩ và công dân Israel ra khỏi Gaza vào năm 2005 trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Israel, cho biết, Israel ít mặn mà với ý tưởng tái chiếm đóng dải Gaza.
Ông Yaar, hiện vẫn là đại tá trong lực lượng dự bị, nói rằng “hoạt động trên bộ không phải là mục đích, mà là phương tiện” để đạt được mục tiêu chính trị là bảo đảm Hamas không bao giờ có thể tấn công người Israel một lần nữa, bởi lẽ điều này là bất khả thi nếu chỉ dựa vào sức mạnh không quân.
Tuy nhiên, ông Yaar cũng cảnh báo rằng việc Israel quản lý người dân Gaza “vừa không tốt cho chúng tôi, vừa không tốt cho họ”.
Phương án hành động để đảm bảo an ninh sinh tồn
Theo đại tá Yaar, chiến dịch trên bộ sẽ đa dạng, bao gồm việc chiếm lĩnh một bộ phận lãnh thổ, tạo ra vùng đệm giữa các khu vực khác nhau, tiến hành bố ráp dựa trên thông tin tình báo và các cuộc thẩm vấn, cố gắng tìm và giải cứu con tin, đồng thời cố gắng tìm diệt các lính Hamas.
Ông lưu ý thêm một điều rõ ràng là “chiến dịch trên bộ sẽ khiến cả người Palestine và người Israel phải trả một giá cao về sinh mạng”.
Hai quan chức quốc phòng Israel giấu tên cho biết, việc tình báo Israel không dự báo được chính xác đòn tấn công của Hamas vào ngày 7/10 đã là một cảnh báo quan trọng.
Các quan chức này cho hay, một số quan chức cấp cao nghi ngờ liệu quân đội Israel có đủ khả năng thực hiện hiệu quả một cuộc chiến khốc liệt chống lại một nhóm vũ trang được huấn luyện khá tốt và cố thủ trên địa bàn quen thuộc của họ.
Nhưng một trong hai quan chức nói rằng nếu Israel không xử lý hiệu quả vấn đề Hamas thì nước này sẽ đối mặt với mối đe dọa sinh tồn, đánh mất sức răn đe của mình trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, tướng Herzi Halevi, nói vào hôm 12/10: “Lực lượng phòng vệ Israel (IDF, tức quân đội Israel) chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho đất nước và mọi công dân Israel. Và ngày 7/10 vừa qua, chúng tôi đã không làm tròn nhiệm vụ đó”.
Tình hình bây giờ đã khác, Israel có thể phải gác lại một số giá trị truyền thống của họ như bảo vệ các con tin và đưa họ về. Các quan chức nói trên cho rằng có thể lần này, Israel phải đánh bại Hamas thậm chí với cái giá là tính mạng của các con tin và những người lính Israel.
Tranh cãi trong nội bộ Israel
Trong các xung đột trước đó với Hamas ở Gaza, đặc biệt là vào năm 2009, nội bộ Israel có những tranh cãi đáng kể về việc liệu có tái chiếm đóng Gaza và hủy diệt Hamas hay không, theo Ofer Shelah - cựu nghị sĩ và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu An ninh quốc gia Israel ở Tel Aviv.
Năm 2009, bộ binh Israel tiến vào Gaza, hành động rất hiệu quả với ít thương vong đến nỗi chính phủ của Thủ tướng Israel khi ấy là Ehud Olmert chia rẽ về việc có nên tiếp tục chiến dịch trên bộ đó hay không. Phái thứ nhất, bao gồm ông Olmert, ủng hộ tiếp tục chiến dịch quân sự. Phái thứ hai, bao gồm ông Ehud Barak (bộ trưởng quốc phòng) thì cho rằng đã gây đủ thiệt hại cho đối phương và Israel không muốn lãnh trách nhiệm phải bảo đảm phúc lợi xã hội cho người Palestine tại dải Gaza.
Trong xung đột ở Gaza năm 2014 (khi ấy Israel cũng đưa quân vào Gaza và có nhiều thương vong hơn so với năm 2009), chính phủ Israel cũng chịu áp lực lớn phải tái chiếm Gaza hoặc một số bộ phận trong dải đất này.
Năm đó, quân đội Israel đã thông báo vắn tắt cho nội các an ninh nước này về các hậu quả nếu tiếp tục đóng quân tại Gaza. Dự báo của họ như sau: Hàng trăm quân nhân Israel sẽ chết, các thỏa thuận hòa bình với Ai Cập và Jordan có thể gặp rủi ro, chi phí tài chính cho kiểm soát Gaza sẽ vô cùng lớn.
Udi Segal - phóng viên đưa tin năm đó, cho biết cái giá mà Israel phải trả ngày nay sẽ cao hơn thời đó.
Một câu hỏi đặt ra ngày nay là liệu Israel sẽ tiếp tục cố gắng như trước đây để đảm bảo hạn chế gây tổn hại cho dân thường.
Hiện nay Israel đã sẵn lòng cắt điện nước cung cấp cho dải Gaza. Họ cũng tuyên bố sẽ không còn tiến hành cảnh báo cư dân một tòa nhà nào đó trước khi ném bom tòa nhà. Trước đây, quân đội Israel sẽ thả một vật thể không nổ lên mái tòa nhà để cảnh báo họ. Bây giờ, Israel làm cách khác, đó là bảo người Gaza chủ động rời bỏ các tòa nhà họ biết là chứa các phần tử Hamas hoặc vũ khí của Hamas. Lập luận mà Israel đưa ra là Công ước Geneva cho phép tấn công các mục tiêu quân sự.
Trong khi đó, Trung tá Richard Hecht, một phát ngôn viên của quân đội Israel, cho biết Israel vẫn chưa quyết định về việc lập hành lang nhân đạo để đưa viện trợ vào Gaza.