Trump và Putin sẽ "về một đội"?
Ngày 22/12, cả Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng tuyên bố rằng họ có ý định tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước. Cách phát ngôn của cả hai tổng thống cường quốc tương đồng với nhau một cách kỳ lạ.
Trump phát ngôn trên Twitter: "Mỹ phải tăng cường và mở rộng khả năng hạt nhân của mình cho đến khi Thế giới hiểu về vấn đề hạt nhân".
Ông Putin thì phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga: "Nga cần phải củng cố tiềm lực hạt nhân quân sự của mình và phát triển tên lửa có thể xâm nhập vào bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào".
Sau những phát ngôn này, báo chí đặt ra suy đoán rằng Mỹ và Nga có thể đang có kế hoạch tăng năng lực hạt nhân thực sự, và việc đó là hoàn toàn trái ngược với chính sách chống phổ biến loại vũ khí này.
Tuy nhiên, theo tác giả của Quartz, suy đoán và cách giải thích trên là sai lầm. Trump và Putin không hướng tới một cuộc chiến tranh với nhau, mà có thể họ đang hướng tới một cuộc chiến "cùng với nhau".
Trump là một người luôn lớn tiếng bênh vực Putin và tỏ ra ngưỡng mộ tổng thống Nga. Nhiều chuyên gia tình báo còn nghi ngờ Trump đang nhận được sự hỗ trợ từ Nga và hợp tác với Kremlin. Nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ đã dẫn tới việc một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi quốc hội vào cuộc để điều tra.
Vì vậy, sẽ là hợp lý hơn nếu giải thích rằng: Thay vì tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang để chống lại nhau, Trump và Putin có thể sẽ "về một đội" như những đối tác hạt nhân để chống lại các mục tiêu chung.
Điều này nghe có vẻ kỳ quặc? Hoàn toàn không. Trump đã bị ám ảnh bởi vũ khí hạt nhân trong vài thập kỷ. Ông đã từng bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga trong các chính sách hạt nhân từ những năm 1980.
Trump và Putin cùng muốn tăng cường khả năng hạt nhân của nước mình, nhưng sẽ không sử dụng để chống lại nhau? (Ảnh minh họa: Daily Star)
Trump đã quan tâm tới vũ khí hạt nhân trong suốt 30 năm
Năm 1984, Trump – với sự hậu thuẫn của nhà hoạt động chính trị Roy Cohn, cựu cố vấn của thượng nghị sĩ Mỹ Joe McCarthy và cựu tổng thống Richard Nixon – đã tuyên bố mục tiêu về việc thương lượng các giao dịch hạt nhân với Liên Xô.
"Sẽ chỉ cần khoảng 1 tiếng 30 phút để biết mọi thứ về tên lửa", Trump nói. "Tôi nghĩ rằng tôi đã biết rõ về chúng [tên lửa] và sẽ chỉ cần thêm thông tin cập nhật. Anh có biết ai thực sự muốn tôi làm điều đó [đàm phán các giao dịch hạt nhân với Nga] không? Tôi sẽ làm được trong một giây".
Cách nói này từ cách đây 30 năm vẫn phản ánh chính xác Trump ở thời hiện tại – một người từ chối nghe các cố vấn, không đọc các báo cáo tình báo và tin rằng bản năng của ông là đủ để có thể ra các chính sách lãnh đạo một cường quốc.
Năm 1987, Trump đã làm rất rõ ý định của mình về việc hợp tác hạt nhân với Nga: Liên bang Xô-viết và Mỹ nên hợp tác để tạo thành một siêu cường hạt nhân và có thể dọa các nước khác từ bỏ các kế hoạch hạt nhân của họ.
Trump đã trả lời nhà báo Roy Rosenbaum rằng: "Nga và Mỹ có sức mạnh để kiềm chế bất cứ nước nào đang có ý định phát triển các chương trình hạt nhân. Hai nước nên sử dụng sức mạnh của trừng phạt kinh tế để ngăn chặn các vấn đề xảy ra".
1987 cũng là lần đầu tiên Trump đến thăm nước Nga (lúc đó vẫn thuộc Liên Xô). Năm 1988, Trump đã cố gắng để gặp được lãnh đạo Liên Xô là Mikhail Gorbachev để nói về các "giao dịch" hợp tác hạt nhân của mình. Tất nhiên cuộc gặp này đã không bao giờ diễn ra.
Đó cũng là thời điểm Trump bắt đầu nói về tham vọng trở thành tổng thống Mỹ và đã trả tiền cho những bài báo chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong khi quan điểm, lập trường về Nga của Trump không thay đổi từ những năm 1980 đến nay, thì quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của ông đã thay đổi. Năm 2016, Trump đã nhắc đi nhắc lại về việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tháng 4/2016, Trump trả lời trên kênh NBC (Mỹ) rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là cần thiết trong một vài trường hợp. Khi bị "dồn" bởi người dẫn chương trình kỳ cựu Chris Matthews của đài NBC, Trump nói: "Tại sao chúng ta lại chế tạo ra chúng [vũ khí hạt nhân] chứ?".
Ngày 23/12/2016, Joe Scarborough – người dẫn chương trình nổi tiếng "Buổi sáng của Joe" (đài MSNBC) và dường như là nhân vật duy nhất trong giới truyền thông được Trump tiết lộ về chính sách hạt nhân mới của mình – đã nói rằng: "Trump nói với tôi, cứ để một cuộc chạy đua vũ trang diễn ra, bởi vì chúng ta sẽ vượt họ ở mọi mặt và sẽ tồn tại lâu hơn tất cả".
Không hiểu Trump muốn ám chỉ "họ" là ai, nhưng rõ ràng đây là một phát ngôn đáng báo động cho các quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, Trump rất thiện cảm và có mối quan hệ tốt với Kremlin (quan chức Kremlin thừa nhận có liên hệ với đội của Trump từ khi tranh cử), cùng với đó là chính sách đối ngoại của ông và Nga có vẻ gần như giống nhau.
Các giao dịch tài chính trong ngành dầu lửa và khí đốt đang mang lại lợi ích cho các tỷ phú của cả 2 bên, thì khó có khả năng Mỹ đang chuẩn bị chạy đua vũ trang để chống lại Nga - tác giả Sarah Kendzior nhận định.
Kendzior cho rằng, Trump có thể đã tìm thấy đối tác hạt nhân mà mình đã tìm kiếm hàng thập kỷ, và đối tác đó chính là Putin. Còn Tổng thống Nga cũng nhìn thấy ở Trump một đồng minh sẵn sàng ủng hộ mình, dỡ bỏ các lệnh cấm vận và mang lại nhiều lợi ích khác.
Tác giả cảnh báo: Hai cường quốc hạt nhân (chiếm 70% vũ khí hạt nhân thế giới), với hai tổng thống đặc biệt, có thể hợp tác với nhau để chống lại một kẻ thù chung chưa xác định, và trong kịch bản tồi tệ nhất thì "kẻ thù chung" đó sẽ là cả thế giới.