Solskjaer từng ghi những bàn thắng rất đẹp và ý nghĩa trong màu áo của Man United. Pha ghi bàn giúp Man United vô địch Champions League 1999, qua đó hoàn thành cú ăn ba. Hay pha ghi bàn loại đối thủ bất cộng đái thiên Liverpool ra khỏi Cúp FA. Hay siêu phẩm vào lưới Southampton, trong mùa bóng ngay sau cú ăn ba.
Anh cũng có những pha ghi bàn ngoạn mục trong màu áo đội tuyển Na Uy, giữa sân chơi World Cup. Anh là "Sát thủ với gương mặt trẻ thơ", với kỹ thuật dứt điểm được Sir Alex Ferguson nhận định là "toàn diện nhất trong số những tiền đạo mà tôi từng có". Như chính anh từng đúc kết: "Không có thủ môn giỏi, chỉ có tiền đạo dứt điểm không đủ giỏi". Vậy có bao giờ bạn từng hỏi, với Ole Gunnar Solskjaer, đâu là pha ghi bàn mà anh ưng ý nhất?
Câu trả lời là một bàn… rất phổ thông, trong một đêm mùa thu năm 2006, vào lưới Celtic tại Champions League. Đấy là pha ghi bàn đầu tiên của anh tại Old Trafford sau ba năm. Suốt thời gian ấy, người ta bảo sự nghiệp của anh đã dừng lại. Pha bóng ấy khởi đầu với một đường chuyền hỏng của Thomas Gravesen. Paul Scholes đoạt được bóng, chuyền lên cho Louis Saha. Thủ thành Artur Boruc cản được cú dứt điểm của tiền đạo người Pháp, nhưng Solskjaer đã có mặt đúng lúc đưa bóng vào lưới.
Sáng hôm sau, tên anh xuất hiện trên báo trở lại. Vào lúc mà tất cả đều nghĩ sự nghiệp của anh đã khép lại, kể cả HLV của anh - Sir Alex Ferguson, người đã phát hiện và đào tạo anh thành một trong những tiền đạo đáng sợ nhất lịch sử CLB. Chỉ có một người vẫn tin là "sát thủ" vẫn có thể trở lại, đó là… chính Solskjaer. Anh biết mình chưa đánh mất bản năng sát thủ. Và điều ấy thôi thúc anh thực hiện hành trình hồi phục chấn thương kỳ diệu.
Pha ghi bàn vào lưới Celtic diễn ra vào lúc 20 giờ 47 phút ngày 13/9/2006, đánh dấu một trong cuộc trở lại kỳ diệu nhất trong giới thể thao. Những cơn đau, những lần tái phát trong lúc hồi phục không thể tiêu diệt ý chí của chàng tiền đạo có gương mặt hiền nhất thế giới.
Trước pha ghi bàn ấy, thế giới thể thao từng chứng kiến Lester Piggott vô địch một giải đua ngựa danh giá, chỉ hai tuần sau khi… ra tù. Rocky Balboa - bộ phim nói về một sự trở lại ngoạn mục ở môn quyền Anh - cho chúng ta một câu thoại bất hủ: "Trên sàn đấu, quan trọng không phải đấm bao nhiêu cú mà là chịu được bao nhiêu cú đấm". Câu này, quá đúng khi ứng vào Solskjaer. Bởi vậy khi anh sút tung lưới Celtic vào một chiều thu, Old Trafford đã gầm lên như chào đón một anh hùng trở lại.
Đó là đoạn khởi đầu trong cuốn tự truyện của Solskjaer, mang tên "Sát thủ với gương mặt trẻ thơ". Solskjaer rõ ràng là một trong những biểu tượng lớn nhất của Old Trafford, bởi vì anh là đại diện cho tinh thần không bao giờ lùi bước của "Quỷ đỏ". Chính anh đã góp công lớn để kiến tạo nên DNA của Man United.
Bởi vì dưới thời Sir Alex Ferguson, "Quỷ đỏ" luôn biến hiệp 2 trở thành màn tra tấn tinh thần cho đối thủ. Vì càng vào "Fergie time", cầu thủ của ông đá càng khẩn trương, và vì Solskjaer có thể vào sân bất kỳ lúc nào, ghi bàn bất cứ lúc nào để khẳng định thương hiệu của một "siêu dự bị".
Thực ra, Ferguson chưa bao giờ xem Solskjaer là một cầu thủ dự bị. Anh kỳ thực là một cầu thủ chính thức, chỉ là khi 11 các đồng đội thi đấu trên sân thì anh lại thi đấu bên ngoài sân, thông qua việc tập trung quan sát. Để rồi khi được Ferguson tung vào, anh luôn tìm cách tấn công vào điểm yếu của đối thủ.
"Quỷ đỏ" luôn trở lại. Dù Jose Mourinho và Rafael Benitez đã đến và khiến Premier League trở nên cực kỳ thực dụng. Man United lấy thực dụng đấu thực dụng, và mở ra thời kỳ đỉnh cao mới cùng những Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Carlos Tevez trên hàng công. "Quỷ đỏ" luôn trở lại, cho dù Bayern Munich đã dẫn trước họ trong gần như toàn bộ trận chung kết Champions League 1999.
Man United đã toàn thắng cả 7 trận đấu dưới thời Solskjaer. Tinh thần quyết tử của ngày cũ trở lại, và đấy là thứ tạo nên bản sắc của Man United, bất kể họ thi đấu với chiến thuật như thế nào. Họ gọi tinh thần đó là "Man United vô đối".