Ảnh thiết kế: Trang Đinh
"Ước Việt Nam thân yêu sẽ mau chóng đẩy lùi dịch bệnh"
Mọi năm, vào dịp 2/9, khu phố nơi Hoàng Minh (sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) sinh sống sẽ rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Mẹ của Minh cũng chăm chút hơn cho bữa ăn gia đình cùng những món ăn cầu kì. Buổi tối, Minh sẽ cùng nhóm bạn đi xem pháo hoa, hòa vào dòng người nô nức tiếng nói cười.
Thế nhưng năm nay, mọi hoạt động kỉ niệm lễ đều phải tạm gác lại do dịch bệnh. Còn Minh cũng đã thu xếp việc học tập, gói ghém quần áo, đồ đạc để chuyển vào ở hẳn trong Trung tâm Tổng đài 115, hỗ trợ tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi đổ về đây của các bệnh nhân F0.
Chân dung chàng sinh viên trường Y Hoàng Minh.
Chàng sinh viên trường Y cho hay: “Vì tính chất công việc nên các kíp trực hoạt động 24/24, bất kể ngày thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ. Công việc của bọn mình luôn luôn tiếp diễn, hàng nghìn cuộc gọi từ những gia đình bị cách ly, trạm y tế lưu động, tổ y tế từ xa, ca bệnh chuyển nặng cần được cấp cứu”.
Với nguyên tắc “3 tại chỗ”, nhóm tình nguyện viên của Tổng đài hiện đang ở cùng nhau. Hoàng Minh chia sẻ: “Đồ ăn dự trữ gần hết, mì gói là món ăn thường xuyên nhưng chẳng ai than với ai câu nào. Mọi người đều nghĩ là cùng nhau cố gắng một tí, chứ nếu đặt shipper vô tội vạ lại ảnh hưởng quá trình công tác của một tập thể thì buồn lắm".
"Đây là có lẽ ngày lễ 2/9 đặc biệt nhất của mình. Hiện tại, mình chỉ mong muốn từng ngày, từng ngày, những cuộc gọi sẽ giảm dần, sẽ không còn những ca bệnh chuyển nặng. Dịch bệnh tại Sài Gòn và các tỉnh thành khác trên cả nước cũng sẽ sớm được đẩy lùi”, Minh tâm sự.
Trong khi đó, ngày 2/9 cũng là sinh nhật của tình nguyện viên Ngọc Thùy (quê Cà Mau), hiện đang tham gia vào công tác hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu tại TP.HCM. Vóc dáng bé nhỏ của cô gái trẻ len lỏi từ khu cách ly này đến khu phong tỏa nọ khiến bao người nhớ mãi.
Ngọc Thùy đón sinh nhật trong bộ đồ bảo hộ.
Cách đây 2 tuần, Thùy vừa trải qua ca mổ ruột thừa. Đây là lần đầu tiên cô phải phẫu thuật nhưng lại không có mẹ bên cạnh chăm sóc, chỉ có đồng đội trong nhóm chống dịch đồng hành.
Nghỉ ngơi ít hôm sau ca mổ, cô gái bé nhỏ lại xông xáo đi hỗ trợ lấy mẫu. Kể cả ngày sinh nhật, Thùy cũng đã kín lịch làm việc.
Đón tuổi 20 của mình với bộ đồ… bảo hộ, Thùy xúc động nói: “Mọi năm nếu được ở quê, mình sẽ cùng gia đình, bạn bè ăn sinh nhật, thổi nến bánh kem và ước. Năm nay tuy không có bánh kem nhưng mình vẫn muốn ước, mình ước Việt Nam thân yêu sẽ mau chóng đẩy lùi dịch bệnh, phố xá sẽ lại đông đúc, rộn rã tiếng nói cười”.
Hết mình vì hai chữ Việt Nam ở trong trái tim
Những ngày này, gian phòng bên trong Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) luôn sáng đèn. Trong bối cảnh thành phố có hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, đội trực cấp cứu, đội taxi, y bác sĩ, tình nguyện viên… luôn túc trực.
Ở đây, khái niệm về thời gian cũng không được phân định. Chủ nhật cũng như thứ hai, ngày lễ cũng như ngày bình thường, mọi người đều làm việc hết mình để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân F0.
Giờ nghỉ ngơi hiếm hoi giữa lúc bận rộn, Quỳnh Giao (tình nguyện viên trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115) bất giác thốt lên câu: "Mình nhớ nhà quá đỗi" như vậy khi ai đó nhắc về kì nghỉ lễ sắp tới. Đã 3 tháng qua Giao chưa được về nhà.
Cô điền tên mình vào danh sách tình nguyện viên chống dịch ngay sau khi trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kêu gọi sinh viên tham gia chi viện tuyến đầu.
Mọi năm, vào dịp 2/9, Giao sẽ về quê ăn lễ cùng với gia đình. Cô sẽ được ngủ vùi trong chăn, mơ màng nghe mùi khói bếp thơm nức phía sau nhà, thưởng thức bữa cơm ngọt lành của mẹ, chở em nhỏ đi chơi, thăm ông bà… Nhưng năm nay, lần đầu tiên, Giao trải qua kì nghỉ lễ xa gia đình.
Giao tâm sự: "Dịch còn ngày nào, người dân còn cần tụi mình ngày đó. Đội taxi cấp cứu chuyển bệnh thuộc Trung tâm 115 ngày lễ vẫn làm việc bình thường nên mình vẫn luôn túc trực 24/24 để tiếp nhận, cấp cứu kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân".
Cô gái bé nhỏ Quỳnh Giao của Trung tâm cấp cứu 115
Cũng từ công việc này, Giao có dịp trải qua đủ các cung bậc cảm xúc trong những ngày dịch bệnh. Nữ tình nguyện viên chia sẻ: "Mình đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay giữa người thân và bệnh nhân trước khi vào viện. Những lời dặn dò lo lắng, những ánh mắt tràn đầy yêu thương, những cái nhìn bịn rịn không rời đều làm mình xúc động".
"Cũng có những trường hợp bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng đến nguy kịch, người nhà gấp rút đưa lên xe cấp cứu mà không kịp nói lời nào, họ chỉ biết gửi gắm niềm tin qua ánh mắt với nhân viên y tế. Vì vậy, cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đến bệnh viện an toàn chính là niềm vui lớn nhất sau mỗi ca chuyển bệnh của mình", cô sinh viên trường Y kể.
Không chỉ có Quỳnh Giao, trạm trực của Trung tâm 115 còn có những chàng trai, cô gái là sinh viên Y khoa, tuổi chỉ vừa tròn đôi mươi nhưng đã dám gác lại nỗi nhớ gia đình, nỗi lo phơi nhiễm để tình nguyện ở lại thành phố giữa mùa dịch bệnh.
Mỗi lần có F0 cần cấp cứu, nhóm lại tất tả điều phối xe, mang bình oxy, máy đo SpO2,… rồi lên đường. Bên trong mỗi chuyến xe cấp cứu đang ngược xuôi trong lòng thành phố là những con người mang theo biết bao nhiệt huyết tuổi trẻ cùng lòng dũng cảm vô hạn, cố gắng tận tụy mỗi ngày vì trong tim họ là hai chữ Việt Nam thân thương.