“Kì lân công nghệ” Việt Nam như lá mùa thu
VNG khởi nghiệp từ năm 2004, tính đến nay đã tròn 15 năm. Và cũng đồng nghĩa, chí ít trong khoảng thời gian 15 năm qua Việt Nam mới chỉ có một doanh nghiệp kì lân, với giá trị chạm ngưỡng tỉ USD vào năm 2014.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, giá trị của VNG đã tăng tiếp lên khoảng 50% nữa, đạt khoảng từ 1,5-1,6 tỉ USD. Tuy nhiên, sự thăng tiến về giá trị của VNG lại để lại một khoảng trống càng sâu và lớn hơn bao giờ hết trong môi trường doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, tính từ năm 2010 trở lại đây, gần 10 năm, nhưng Việt Nam chưa xuất hiện một “kì lân công nghệ” nào cho dù có rất nhiều chuyên gia công nghệ giỏi và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Trong khi đó, theo nghiên cứu, từ năm 2010 trở lại đây chỉ trong khu vực Đông Nam Á thì các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả Philippines đã có những kì lân công nghệ với các phương thức kinh doanh mới trên nền Internet thường được gọi là kinh tế số, kinh doanh O2O (online to offline) hay kinh doanh thời 4.0 như Grab (vận tải 4.0 của Malaysia) và Go-Jek, Traveloka, Tokopedia (Indonesia), SEA (Singapore) hay Revolution Precrafted mới hơn ba năm tuổi (Philippines)...
Grab, một “kì lân công nghệ” của Malaysia đang xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.
Các start-up trên, chỉ tính riêng việc gọi vốn đã đạt từ 1 tỉ USD trở lên và thậm chí như Grab thì số vốn gọi được đã gần 10 tỉ USD.
Đó là chưa kể giá trị tự thân của các start-up này cũng là một phần đóng góp không hề nhỏ với cái lõi công nghệ để vận hành mọi hoạt động.
Nguyên nhân vì sao?
Trên thế giới, Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều “kì lân công nghệ” nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (tính từ thời điểm VNG thành lập) như Facebook, Uber, Instagram, Twitter, WhatsApp, Booking.com.v.v...
Trung Quốc nổi lên là quốc gia thứ hai sở hữu nhiều “kì lân công nghệ” và thậm chí nếu xét về tiêu chí giá trị start-up thì Trung Quốc đã vượt Mỹ - với ứng dụng TikTok được định giá còn cao hơn cả Uber hiện tại (hơn 75 tỉ USD).
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng hầu hết có qui mô nhỏ trước vòng gọi vốn Series A.
Thế nhưng, hiện số lượng quĩ đầu tư mạo hiểm ở các vòng sơ khởi đang hoạt động tại Việt Nam ít hơn con số 10. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ở vòng sơ khởi khó tiếp cận nguồn vốn.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhận định của bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành ESP Capital – được dẫn lại cho rằng, có bốn điểm chưa được hỗ trợ của các start-up Việt Nam khiến nước ta không có “kì lân công nghệ” xuất hiện trong suốt hơn 10 năm qua:
Thứ nhất là sự hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ hai: Vấn đề xây dựng sản phẩm. Thứ ba: Việc vận hành sản phẩm. Thứ tư: Sự tăng tốc.
Thâm nhập thị trường Việt Nam sau Grab, nhưng Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek (Indonesia) cũng đang khuếch trương mạnh mẽ.
Còn theo bà Đinh Văn Hồng Vũ – CEO của start-up Elsa Speak tại thung lũng Silicon, một start-up muốn gọi được vốn lớn phụ thuộc rất nhiều vào ban điều hành với sự thể hiện quyết tâm, tầm nhìn như thế nào và đặc biệt là qui mô thị trường của start-up tới đâu.
“Khi các nhà đầu tư tiếp cận Elsa Speak, nhìn thấy thị trường có thể mở rộng đến 1,5 tỉ người dùng ứng dụng tự học tiếng Anh và sau này có thể mở rộng sang các ngôn ngữ khác, họ sẽ được thuyết phục mạnh mẽ hơn”, bà Vũ cho biết.
Theo các chuyên gia, hầu hết các khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có qui mô thị trường nhỏ, dịch vụ lẻ tẻ, nếu có gọi được vốn cũng khó gọi được nhiều và duy trì được dài hạn, càng khó có thể lớn mạnh thành “kì lân công nghệ”.