'Khủng' như chủ đầu tư Golf Sông Hồng

Thanh Trần |

Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng là tập đoàn tư nhân có chỗ đứng, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, sân golf, khai khoáng, thuỷ điện, năng lượng tái tạo...

Một dự án sân golf đã đi vào hoạt động. Ảnh minh hoạ: Internet

Một dự án sân golf đã đi vào hoạt động. Ảnh minh hoạ: Internet

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, sau khi nhận được phản ánh của Hội Nhà văn Việt Nam về dự án golf Sông Hồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu tình hình, kiến nghị của các nhà văn để triển khai thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhà đầu tư của dự án - CTCP Đầu tư golf Sông Hồng được thành lập năm 2014, ban đầu có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là CTCP Phát triển Đại Dương góp 30 tỷ đồng (chiếm 25%), CTCP Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải góp 42 tỷ đồng (35%), ông Luyện Xuân Tràng góp 48 tỷ đồng (40%).

Vào thời điểm đó, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải còn là chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu biệt thự sinh thái sông Hồng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên với tổng diện tích khoảng 29,24ha (nằm sát dự án sân golf Sông Hồng).

Tuy nhiên, vào tháng 12/2016, cơ cấu sở hữu của Hưng Hải đã được "thay máu" triệt để, khi cả 3 cổ đông sáng lập sang nhượng hết cổ phần. Cùng khoảng thời gian này, các cổ đông của CTCP Đầu tư Golf Sông Hồng cũng lần lượt thoái vốn.

Ngay sau đó, chủ sở hữu mới của Golf Sông Hồng lộ diện, khi doanh nghiệp này có HĐQT mới gồm Chủ tịch Võ Điệp Hùng và các thành viên Võ Nhật Thăng, Vũ Thị Mai - những thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái Vietracimex Group của đại gia Võ Nhật Thăng.

Việc thâu tóm dự án Golf Sông Hồng giúp ông Võ Nhật Thăng và Vietracimex bổ sung thêm một dự án sân golf vào danh sách đáng nể của mình. Trước đó, tập đoàn tư nhân này đã sở hữu 2 sân golf quy mô khác ở Sóc Sơn, Hà Nội là Khu du lịch sinh thái, trung tâm đào tạo golf Minh Trí diện tích 180 ha và dự án Hanoi Golf Club quy mô 102 ha.

Trên website của Vietracimex, tập đoàn này giới thiệu dự án golf Sông Hồng nằm trong tổ hợp sân golf 27 lỗ kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng và sinh thái quy mô lên tới 204ha.

Vietracimex "khủng" cỡ nào?

Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 2014, Vietracimex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với quy mô vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, sau khi SCIC thoái vốn, cơ cấu cổ đông của Vietracimex bao gồm: ông Võ Nhật Thăng (nắm giữ 99,988% VĐL), ông Vũ Đức Toàn (nắm giữ 0,011% VĐL) và bà Vũ Thị Mai Loan (nắm giữ 0,001% VĐL).

Cập nhật đến tháng 3/2022, Vietracimex có vốn điều lệ hơn 12.510 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Võ Nhật Thăng.

Doanh nghiệp này hiện hoạt động trong các lĩnh vực chính gồm: Bất động sản, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Trong đó, bất động sản là mảng cốt lõi với nhiều dự án có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, Vietracimex còn có tham vọng ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, một trong các dự án tiêu biểu là Sunrise VNT Phú Quốc quy mô 44,46 ha tại Kiên Giang. Tại Hưng Yên, bên cạnh dự án sân golf đã mua lại, Vietracimex đầu năm 2019 đã được UBND tỉnh Hưng Yên chỉ định làm chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 KĐT Văn Giang quy mô lên tới 446,9ha.

Trong lĩnh vực thuỷ điện, Vietracimex là chủ đầu tư của loạt dự án như: Nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, Hà Giang); Nhà máy thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An); nhà máy thủy điện Nậm Mô 1 (Nghệ An); nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo (Lâm Đồng); Thủy điện Bắc Mê (Bắc Giang); Thủy điện Tà Thàng (Lào Cai).

Vài năm trở lại, Vietracimex cũng lấn sân sang năng lượng tái tạo. Sau khi tăng mạnh vốn lên 5.510 tỷ đồng vào tháng 5/2019, công ty đã liên tục đầu tư vào các dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A và 1B tại Bình Thuận. Ngoài ra, Vietracimex cũng sở hữu dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 (Bắc Bình, Bình Thuận).

Đáng chú ý, Vietracimex cũng sở hữu dự án BOT trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thông qua CTCP BOT Vietracimex 8) và BOT Xây dựng Quốc lộ 2 – đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Ngoài ra, Vietracimex còn nắm nhiều dự án thuộc lĩnh vực khác như: Nhà máy bột giấy VNT19 (Quảng Ngãi), công suất 350.000 tấn/năm; Nhà máy bột đá siêu mịn Trung Đức (Nghệ An), công suất 50.000 tấn/năm; Nhà máy bột đá siêu mịn VNT, VNT7 (Nghệ An), công suất 120.000 tấn/năm.

Không chỉ vậy, Vietracimex là doanh nghiệp này sở hữu nhiều công ty con/công ty liên kết họ "VNT như: CTCP Nhật Thăng (VNT 10) – công ty liên kết; CTCP Cửu Long VNT, CTCP Bột – Giấy VNT 19...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại