Quân đội Nga diễn tập ở Kursk, gần biên giới Ukraine vào tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh Nga đang cấp tập điều quân đến biên giới Ukraine và Mỹ có kế hoạch xây dựng quân đội của riêng nước này ở Đông Âu, nhiều nhà phân tích lo ngại những diễn biến mới có thể vô tình leo thang thành một tình huống rất khó tưởng tượng: Chiến tranh hạt nhân.
Nguy cơ đối đầu hạt nhân
Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ không điều quân đội Mỹ tham chiến trong trường hợp Nga tấn công Ukraine , nhưng không có gì đảm bảo rằng hai bên sẽ không xảy ra xung đột. Nhiều cựu quan chức và chuyên gia ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã tỏ ra lo ngại về kịch bản hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể rơi vào một cuộc đối đầu hạt nhân nếu tình hình vượt quá tầm kiểm soát
Trả lời phỏng vấn Politico, ông Des Browne – cựu Bộ trưởng quốc phòng Anh cho rằng: “Chiến tranh hiện đại chắc chắn là điều không ai mong muốn. Tuy vậy, trong môi trường được trang bị vũ khí hạt nhân, mọi thứ có thể leo thang khá nhanh, do sự vô tình hoặc những tính toán sai lầm”.
“Không ai có thể tưởng tượng được, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng một cách có chủ ý, nhưng tính toán sai lầm có thể dẫn tới điều đó”, ông Des Browne lưu ý.
Đây cũng là mối lo ngại chung của các quan chức phụ trách an ninh hạt nhân – từ những người kêu gọi giải trừ vũ khí đến những người ủng hộ quan điểm theo đuổi chương trình hạt nhân.
Bà Patty-Jane Geller, một chuyên viên của Quỹ Di sản nhận định: “Xung đột tại Ukraine cho thấy kịch bản leo thang căng thẳng hạt nhân mà chúng tôi lo lắng không nằm ngoài tầm nhìn”. Tuần trước, Liên minh Các nhà khoa học (The Union of Concerned Scientists) cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến thế giới tiến gần hơn đến “Đồng hồ Ngày tận thế” (một biểu tượng do tổ chức Bulletin of the Atomic Scientists đưa ra để cảnh báo công chúng về mức độ hủy diệt thế giới bằng chính những công nghệ nguy hiểm do con người chế tạo).
“Ukraine vẫn là một điểm nóng tiềm tàng. Vì thế việc Nga triển khai quân đội tới gần biên giới nước này đã khiến căng thẳng leo thang từng này”, báo cáo của USC lưu ý khi viện dẫn mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân.
Theo chuyên gia Geller, mối quan tâm hàng đầu chính là hàng nghìn vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của cả Nga và Mỹ - vốn là trọng tâm trong chiến lược quân sự của hai nước. Theo một cựu quan chức của chính phủ Mỹ, Nga có 4.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Loại vũ khí này có đương lượng nổ thấp hơn so với bom nguyên tử truyền thống và được sử dụng để chống lại các lực lượng thông thường trong chiến đấu. Tuy vậy, chúng có sức công phá rất lớn, đặc biệt gây mất ổn định chiến lược răn đe. Còn Mỹ đang sở hữu tổng cộng gần 5.000 đầu đạn hạt nhân các loại. Trong đó, số đầu đạn hạt nhân đang hoạt động là 2.150.
Diễn biến đáng lo ngại
Tại cuộc họp với các quan chức và các chuyên gia an ninh của châu Âu, Nga, ngày 26/1, cựu Đại sứ Mỹ Mỹ Richard Burt cho biết, nhiều chuyên gia hạt nhân Nga cũng lo ngại về khả năng cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang. Theo ông, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn do các lực lượng quân sự của Mỹ, Nga và NATO ngày càng tiến đến gần nhau.
“Các bên không chỉ đặt lực lượng của họ ở trong và xung quanh Ukraine trong tình trạng báo động, mà còn triển khai các lực lượng hải quân có năng lực hạt nhân ở Biển Đen và Địa Trung Hải, gia tăng hoạt động ở Biển Baltic. Rất nhiều máy bay được triển khai”, ông Richard Burt nhấn mạnh.
Trong những ngày gần đây, Nga cảnh báo rằng, nếu NATO cố tình vượt qua “lằn ranh đỏ”, mở rộng liên minh về phía Đông thì Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới với Mỹ. Hôm 26/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý thỏa thuận hợp tác mới với các nhà lãnh đạo Cuba, Venezuela và Nicaragua để phát triển quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tăng cường hợp tác quân sự, còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, không loại trừ khả năng Nga sẽ điều quân đến Mỹ Latin.
Những hiểu nhầm về “lựa chọn quân sự”
Nikolai Sokov, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, nguy cơ xung đột Ukraine lan sang lĩnh vực hạt nhân là “điều rất khó xảy ra”. Song ông không ngoại trừ nguy cơ hai bên có những tính toán sai lầm. Chẳng hạn một cuộc đụng độ tình cờ giữa máy bay hay tàu chiến của cả Nga và NATO “có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp và sau đó là xung đột quy mô lớn”.
Đối với những người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, cuộc khủng hoảng Ukraine đã nêu bật những nguy cơ của loại vũ khí này. “Vũ khí hạt nhân đang làm gì cho chúng ta. Chúng ta chỉ nghĩ về chúng khi chúng ta rơi vào những cuộc khủng hoảng như thế này. Thật khó để lập luận rằng vũ khí hạt nhân đang giúp tăng cường an ninh cho bất cứ bên nào trong tình huống như vậy”, Tom Collina, giám đốc chính sách của quỹ từ thiện không phổ biến vũ khí hạt nhân Plowshares Fund lưu ý.
Còn các nhà phân tích khác đã đặt câu hỏi với những tuyên bố của Mỹ mà họ cho là gây hiểu nhầm về “lựa chọn quân sự” đang được xem xét để ngăn chặn khả năng Nga tấn công Ukraine.
“Trong thời đại hiện nay, việc một cường quốc hạt nhân tuyên bố “tất cả các lựa chọn đã được đặt lên bàn” có thể được hiểu là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, ngay cả khi họ không có ý định như vậy. Các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng những vũ khí này, bởi không ai là người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”, hai chuyên gia hàng đầu ủng hộ kiểm soát vũ khí hạt nhân nhấn mạnh./.