Tuần vừa qua, chính trường thế giới lại sục sôi vì một sự kiện vừa cũ vừa mới. Cũ, đó là Triều Tiên lại tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Mới, đó là, loại tên lửa vừa được phóng, mang tên Hwasong -15, mà những thông số kỹ thuật đang dần được hé lộ, cho thấy Triều Tiên có thể đã tiến một bước dài nữa mang tính quyết định trong việc xây dựng năng lực răn đe hạt nhân của mình.
Thực tế này càng cho thấy việc sử dụng trừng phạt để đe dọa Triều Tiên không có tác dụng nếu không nói là phản tác dụng và không có giải pháp nào khác là phải kiên trì đối thoại.
Hwasong-15, với tầm bắn tối đa ước tính 13.000km, đủ sức bao phủ toà n bộ lãnh thổ Bắc Mỹ và châu Âu. Mọi thứ đã thay đổi rất nhanh, từ 4.000 đến 5.000, lên 8.000 và giờ là 13.000km, Triều Tiên thực sự đang lao rất nhanh đến cái đích mà nước này đặt ra, là trở thành một sức mạnh răn đe thực sự hiện hữu trên bản đồ an ninh quốc tế.
Những gì đã và đang diễn ra ở Triều Tiên, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại một số hệ quy chiếu. Một mặt, các diễn biến chạy đua vũ trang mang nặng màu sắc đe doạ sử dụng vũ lực trên bán đảo Triều Tiên đang làm xấu đi môi trường an ninh và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy sự bế tắc tồn tại bao lâu nay trong hồ sơ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã đến lúc cần phải có một cách tiếp cận khác thực tế và thực dụng hơn.
Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề Triều Tiên cần được tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc. Nhưng các giải pháp chính trị song song vẫn cần được thúc đẩy để sự nhìn nhận thực tế được tiến hành một cách chuẩn xác hơn.
Thực tế đó là gì? Đó là 3 yếu tố mà Triều Tiên dường như đã hội tụ đủ, gồm: năng lực hạt nhân, năng lực tên lửa đạn đạo và sự quyết tâm của ban lãnh đạo.
Ba yếu tố này có thể được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau nhưng đều phản ánh một điều, rằng cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên khó có thể là bằng vũ lực và sự áp đảo trong các lời lẽ đe doạ.
Việc chính quyền Mỹ liên tiếp đe doạ huỷ diệt đất nước và chính quyền Triều Tiên liệu có buộc được Triều Tiên từ bỏ năng lực hạt nhân của mình và trở lại với bàn đàm phán hay không? Câu trả lời, mà như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có lần nói, là “không bao giờ”.
Việc Triều Tiên phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình, có lẽ đã đến lúc cần phải được nhìn nhận từ góc độ lý trí hơn, rằng đó chính là nhu cầu an ninh mang tính sống còn của đất nước này.
Đe doạ sử dụng vũ lực không phải là cách hợp lý để ứng xử với một quốc gia luôn sẵn sàng đáp trả để bảo vệ các lợi ích tối cao của mình. Việc Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân với đầy đủ năng lực răn đe chiến lược ở mức cao nhất đang trở thành một thực tế hiện hữu.
Dù muốn hay không, đó đã và đang là một việc đã rồi và vì thế, các lời đe doạ huỷ diệt từ Mỹ hay các cuộc tập trận đầy tính răn đe trên bán đảo Triều Tiên cần phải dần dần nhường chỗ cho sự đối thoại thực tế hơn.
Bởi bài toán Triều Tiên bây giờ đơn giản là không thể được giải quyết bằng vũ lực.