Các công tố viên Tây Ban Nha đang tìm kiếm lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu đối với cựu lãnh đạo vùng tự trị đòi ly khai Catalonia. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi một thẩm phán Tây Ban Nha ra lệnh tạm giam 9 thành viên của chính quyền bị giải tán ở Catalonia để phục vụ công tác điều tra. Những diễn biến mới này cho thấy, chính phủ trung ương Tây Ban Nha đang thực thi biện pháp mạnh tay nhằm nhanh chóng đưa cuộc khủng hoảng tại Catalonia đến hồi kết.
Theo một nguồn tin từ Tòa án Tối cao, lệnh bắt giữ trên toàn Châu Âu đối với cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sẽ được ban hành sớm nhất là vào hôm nay.
Trước đó, ông Carles Puigdemont và 4 thành viên khác trong chính quyền bị giải tán này đã rời Tây Ban Nha sang Bỉ. Tòa đã phát lệnh triệu tập ông Puigdemont và các cựu quan chức này có mặt tại tòa án ở Madrid trong 2 ngày 2-3/11, khi tòa bắt đầu tiến trình xem xét các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và vi phạm luật pháp đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, ông Puigdemont và các cựu quan chức trên từ chối về nước, thay vào đó, yêu cầu được trả lời các câu hỏi từ Bỉ.
“Tình hình chính trị hiện nay tại Catalonia không tốt, do đó cần phải giữ một chút khoảng cách”, Paul Bekaert - luật sư của ông Puigdemont cho biết. “Tuy nhiên, Ông Puigdemont sẽ hợp tác với cả tòa án của Tây Ban Nha và Bỉ. Việc xét xử có thể được thực hiện trực tuyến và ông Puigdemont có thể tự bảo vệ bản thân chống lại quy định dẫn độ”.
Toàn bộ chính quyền Catalonia đã bị Thủ tướng Mariano Rajoy bãi nhiệm sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập. Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Quốc gia kiêm Chánh án Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Carlos Lesmes cho biết, nếu Thủ hiến bị phế truất Puigdemont không ra hầu tòa, thì thủ tục thông thường sẽ là phát lệnh bắt giữ ông này. Trong trường hợp bị tòa án ra lệnh bắt giữ thì ông Puigdemont sẽ không còn cơ hội trở thành ứng viên trong cuộc bầu cử sắp tới.
Việc phế truất và bắt giữ các quan chức chính quyền Catalonia là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất của chính phủ Tây Ban nha, nhằm “chặt vây cánh ly khai”, ngăn chặn Catalonia tyên bố độc lập. Cùng với đó, chính phủ trung ương cũng đang thắt chặt kiểm soát tài chính, giám sát hoạt động truyền thông và cân nhắc khả năng tăng cường sự hiện diện của cảnh sát quốc gia tại Catalonia.
Trước những biện pháp mạnh tay của chính phủ, sau một thời gian sôi sục, phong trào đòi độc lập tại Catalonia có dấu hiệu dịu lắng. Tình trạng bất tuân thủ đã không xảy ra như đe dọa của các nhóm ủng hộ ly khai trước đó khi chính phủ trung ương Tây Ban Nha áp đặt kiểm soát trực tiếp lên khu vực này từ hôm 30/10. Hiện nay, mọi hy vọng đều đổ dồn vào cuộc bầu cử ngày 21/12 tới tại Catalonia.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalonia đã được giải quyết triệt để. Cuộc khủng hoảng ở Catalonia trên thực tế đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha nói chung và ở Catalonia nói riêng. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa qua tại Catalonia cho thấy có 43% số ý kiến không ủng hộ chính quyền trung ương giải tán Hội đồng lập pháp và tổ chức bầu cử sớm ở vùng lãnh thổ này.
Bên cạnh đó, mặc dù chính phủ trung ương hy vọng việc tổ chức bầu cử địa phương ở Catalonia vào tháng 12 tới sẽ giúp “khôi phục sự điều hành hợp pháp cũng như nguyên tắc pháp trị” ở vùng này, song cũng không thể loại trừ khả năng những đảng vốn có chủ trương đòi tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha tiếp tục giành ghế, thậm chí có thể lặp lại “kịch bản” cuộc bầu cử năm 2015, khi các đảng ủng hộ Catalonia độc lập giành đa số phiếu bầu và đứng ra thành lập chính quyền.
Nếu không tìm được một giải pháp chính trị thích hợp, cuộc khủng hoảng ở Catalonia, vốn khởi nguồn từ những mâu thuẫn tích tụ nhiều năm, vẫn có thể còn diễn biến phức tạp với những nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Nhiệm vụ cấp bách và cũng khó khăn nhất lúc này với chính phủ trung ương Tây Ban Nha là hàn gắn chia rẽ xã hội, vốn bị đẩy lên cao sau “bước đi nguy hiểm” của xứ Catalonia./.